Bị cô lập trong mạng cũng có thể thành trầm cảm

 Bị cô lập, tức là hành vi “không chơi với bạn”, dù là trong không gian mạng ảo cũng có thể khiến trẻ em bị mắc căn bệnh trầm cảm.
Bị người khác cô lập trong không gian mạng ảo sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với tâm lý của con người, đặc biệt ảnh hưởng lớn đối với lòng tự trọng của trẻ em.

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học Kent (Anh), sự cô lập đơn thuần tức là hành vi “không chơi với bạn” có thể khiến trẻ em trở nên trầm cảm.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ba nhóm đối tượng khác nhau, nhóm một là những trẻ em độ tuổi từ 8-9 tuổi; nhóm hai từ 13-14 tuổi; nhóm ba là những thanh niên hơn 20 tuổi.

Các đối tượng được yêu cầu tham gia chơi bóng trực tuyến.

Trong trường hợp thông thường người chơi sẽ chuyền bóng cho nhau, tuy nhiên trong trường hợp “cô lập,” các đối tượng tham gia chơi đều không chuyền bóng cho nhau.

Kết quả trắc nghiệm tâm lý trong trường hợp bị cô lập cho thấy, trạng thái tình cảm của tất cả đối tượng tham gia chơi đều trở nên trầm cảm. Tuy nhiên, ở những độ tuổi khác nhau, mức độ trầm cảm cũng khác nhau.

Xét về chỉ số tâm lý “tự trọng,” mức độ ảnh hưởng ở trẻ em thuộc nhóm một nghiêm trọng hơn hai nhóm còn lại. Tuy nhiên, xét từ chỉ số tâm lý “cảm giác thuộc về,” mức độ ảnh hưởng ở thiếu niên thuộc nhóm hai nhiều hơn so với các nhóm còn lại.

Nghiên cứu đồng thời cũng cho thấy, nếu sau đó tiếp tục cho những trẻ em thuộc nhóm một cùng chơi với nhau có thể xóa bỏ sự ảnh hưởng tâm lý do sự cô lập trước đó gây ra.

Giáo sư Abrams phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả nghiên cứu trên nhắc nhở bậc phụ huynh và giáo viên cần phải quan tâm hơn đến sự tổn thương tâm lý trong không gian mạng của trẻ em./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục