“Bi, đừng sợ!” gây chấn động vì cảnh nóng đột ngột?

Trong những tranh cãi sôi nổi về bộ phim "Bi, đừng sợ," nhiều ý kiến phản đối vì phim có quá nhiều cảnh "nóng" không phù hợp văn hóa Á đông.
Từ khi công chiếu , bộ phim “Bi, đừng sợ!” đã gây tranh cãi khá nhiều, thậm chí tạo ra cơn “sốt” đối với những người quan tâm. Cái hay, cái dở có lẽ không dễ rành mạch nhưng có thể thấy số đông là bất đồng tình.

Ẩn dụ hành trình cuộc đời 

Nhiều khán giả cho rằng khá dễ để nhận ra ý tưởng của tác phẩm điện ảnh này. Bộ phim ẩn dụ về cuộc đời con người, từ thời ấu thơ trong lành với cậu bé Bi cùng những trò nghịch ngợm ở xưởng nước đá, ngoài bãi sông Hồng. Tiếp theo là đến lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma” nô đùa trong dạ hội thời trang, còn có một nam sinh dám tương tư cả... cô giáo. Sau khi lập gia đình thì như bố Bi, bia rượu triền miên, muốn 'vượt rào' cả với cô bé gội đầu. Tuổi già đến như ông nội Bi thì cô đơn thẩm thấu cuộc đời rồi cạn kiệt.

Anh Phương-một khán giả là nhân viên văn phòng nói: "Tôi bị ám ảnh về chiếc bô nước giải có con thạch thùng chết đuối. Ám ảnh về sự ngăn cách thế hệ như không thể gặp được nhau, khi người cha nằm hấp hối dưới gầm giường người con trai luẩn quẩn như mộng du mà không tìm cha."

Chị Loan, kinh doanh thời trang cho rằng: "Phim có một đám giỗ không ồn ào như thường thấy vì các tác giả có dụng ý lắng đọng thì phải. Có người cho rằng việc để ban thờ có màn xô khi giỗ là không sát với phong tục vì thường màn này được xếp lại sau 49 ngày."

Khán giả Hồng Nhung, giảng viên Đại học, lại thấy cảnh kết của phim với hình ảnh mẹ của Bị đưa con ra cánh đồng thăm mộ cha chồng, tiếng gọi mẹ của Bi và tiếng đáp lời của người mẹ nghẹn ngào trong nước mắt là cảnh kết đầy tâm trạng với người nhập tâm và khiến người chưa thật đồng cảm bị hẫng hụt.

Có khán giả là sinh viên lại thấy không thể hiểu ý tưởng của tác giả khi trong phim có quá nhiều cảnh sử dụng nước đá!

Theo tìm hiểu của phóng viên, người xem còn ấn tượng hình ảnh mẹ Bi (Kiều Trinh đóng) khi ấp ủ bố chồng trong nỗi đau bệnh tật của ông. Khi ông qua đời, mẹ Bi tô son, lồng bít tất vào tay chân cho ông. Xem cảnh chị lặng lẽ dắt con ra mộ  bố chồng khi cả nhà đang ăn giỗ mà nao lòng… Hình ảnh người phụ nữ Việt hy sinh âm thầm và giàu lòng vị tha đã đọng lại.

Nhiều sự cảm nhận khác nhau nhưng phần đông ý kiến người xem cũng cho rằng thâu tóm trong một bộ phim cả hành trình từ ấu thơ đến trưởng thành, già cả rồi đi đến cái chết của một đời người là tham vọng lớn.

Gây "sốc" vì cảnh sex đột ngột

Một số nhà báo viết về điện ảnh đã kể tên những phim truyện nhựa gần đây “bạo” nhất về cảnh "nóng," trong đó có thể kể đến "Sống trong sợ hãi," hay “Trái tim bé bỏng”....

Hay gần đây, “Cánh đồng bất tận” đã ngỡ là "quá nóng." Vậy mà chưa “ăn thua” gì với  “Bi, đừng sợ!”

"Tác giả đã không đưa từ từ như có “đường dẫn” dự báo xa mà sau lát cắt trước thì “bụp một cái” đã…nóng đến sửng sốt,” một nhà báo nói.

Liệt kê một số cảnh "nóng" gây bất ngờ trong phim, chị Huyền-một nhà báo chuyên viết về văn hóa, bình luận: “Có lẽ đây là bộ phim Việt Nam bạo nhất từ xưa đến nay về những cảnh nóng."

Đó là cảnh nhân vật Thúy và người chồng tương lai của cô nude 100% đã đứng cuồng nhiệt “cháy cả màn bạc” trên bãi đá bên bờ biển. Tuy quay từ phía sau nhưng họ không còn một mảnh áo quần nào.

Đó còn là cảnh người chồng muốn chiếm đoạt cô gái ở chỗ có tấm biển “gội đầu thư giãn” bị cô này chống cự, mảnh cốc vỡ gây chảy máu đầu…Cảnh chuyển ngay sang anh ta mãnh liệt cùng vợ  trên giường, sau đó người chồng vào nhà tắm nước từ vòi sen chảy vảo vết thương đang ứa máu…Có lẽ chưa bao giờ điện ảnh Việt lại tả thực cận cảnh chồng vợ trong phòng the đến thế. Người xem bất ngờ.

Còn nữa là cảnh người vợ với bàn tay mạnh bạo muốn được yêu… Hay cảnh nhân vật Thúy tự xả cơn khao khát của mình bằng một cục nước đá, vốn quá xa lạ với đời sống phụ nữ Á đông…

Anh Hưng-một khán giả xem phim sau một ngày “đủ để ngấm” (theo cách nói của anh) đã khen rằng bộ phim này có thể dành cho nhiều đối tượng. Khán giả tò mò được xem cảnh nóng, khán giả có trình độ cao đi xem cảm nhận những ẩn dụ và ý nghĩa nhân sinh khá sâu sắc, khán giả bình thường nghe cãi cọ đi xem cho biết….

Nhưng một khán giả là cô giáo dạy văn trung học phổ thông thì lại "thấy lo lắng lắm nếu học trò của chúng tôi đi xem phim này. Biết rằng cô giáo cũng là người nhưng cô giáo tự thỏa mãn trên màn ảnh, cô giáo đi rình xem học trò nam đá bóng có cái gì đó rất quá!”

Thâm chí, có cô giáo còn nói với phóng viên: “Chỉ nghe thuật lại, tôi đã ngại đi xem. Bi không sợ thì tôi đã sợ!”

“Vẫn biết rằng phim có nhiều ẩn dụ mở rộng nhưng mà không thể giảng giải cho tuổi teen về các tầng nghĩa cao hơn, khái quát hơn. Ở tuổi đang dậy thì của các em thì thật khó có thể “uốn” hay “nâng cao, mở rộng” ý nghĩa từ những điều bộ phim phản ánh,” cô giáo dạy văn trăn trở./.

 PGS.TS Trần Luân Kim, Chủ tịch Ban Giám khảo Phim truyện nhựa Giải Cánh Diều Vàng, mới đây đã chia sẻ cùng phóng viên Vietnam+: "Tôi không thích bộ phim đó. Tôi nghĩ bộ phim đã quá tự nhiên chủ nghĩa. Không phải cuộc sống có cái gì thì đưa cả vào phim."

Lý giải tại sao bộ phim được nhiều giải quốc tế, ông Kim nói:" Giải quốc tế là đáng quý nhưng cũng cần hiểu họ xem thấy lạ cũng có thể trao giải. Từ dấu ấn văn hóa trong đám tang, đám giỗ rồi những khác biệt trong sinh hoạt so với người nước ngoài. Nhất là cái cách làm như có gì rất bí hiểm của bộ phim này."

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục