Bị giới tinh hoa kiểm soát, chủ nghĩa tư bản đang 'hắt hơi sổ mũi'?

Giáo sư Angus Deaton, đoạt giải Nobel Kinh tế 2015, cho rằng cộng đồng giờ đây là nạn nhân của việc một thiểu số tinh hoa đang kiểm soát cả thị trường lẫn nhà nước.
Bị giới tinh hoa kiểm soát, chủ nghĩa tư bản đang 'hắt hơi sổ mũi'? ảnh 1(Nguồn: Pbif.pk)

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi 'Điều gì không ổn với chủ nghĩa tư bản đương đại?," trong bài viết trên Project Syndicate, tác giả Angus Deaton cho rằng chủ nghĩa tư bản đang trong tình trạng "hắt hơi sổ mũi" và cộng đồng giờ đây là nạn nhân của việc một thiểu số tinh hoa đang kiểm soát cả thị trường lẫn nhà nước.

Tác giả Angus Deaton đoạt giải Nobel Kinh tế 2015, hiện là giáo sư danh dự về kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Khoa Các vấn đề Công cộng và Quốc tế thuộc Đại học Princeton.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Sau đây là nội dung bài viết.

Một cách khá bất ngờ, chủ nghĩa tư bản đang trong tình trạng "hắt hơi sổ mũi." Chủ nghĩa xã hội xuất hiện trở lại và một lần nữa lan tỏa trong lớp trẻ. Những cái đầu thông thái, những người vẫn tôn sùng những thành quả quá khứ của chủ nghĩa tư bản, muốn bảo vệ chủ nghĩa tư bản và đã đưa ra những chẩn đoán và phương thuốc điều trị. Tuy nhiên, những đề nghị của họ đôi lúc lại chồng chéo với những người muốn xé bỏ hệ thống tư bản này, làm cho việc phân biệt giữa tả và hữu trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

May mắn là Raghuram G. Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, hiện giảng dạy tại Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Chicago, là người đã đưa kiến thức và kinh nghiệm tuyệt vời của ông ra để giải quyết vấn đề.

Trong cuốn sách mới của ông có tiêu đề "Trụ cột thứ ba: Bằng cách nào mà thị trường và nhà nước để cộng đồng lại sau lưng," ông lập luận rằng khối u đang tác động đến chủ nghĩa tư bản đương đại không phải là thất bại của "Leviathan" (nhà nước) hay của "Behemoth" (thị trường), mà là thất bại của cộng đồng, là cái không còn làm chức năng như cái chốt chặn đối với hai "quái vật" nói trên nữa.

Tiếp đó, Rajan kê đơn thuốc có tên gọi "chủ nghĩa địa phương bao trùm" nhằm xây dựng lại những cộng đồng mà nó có thể trang bị cho dân chúng lòng tự trọng, vị thế và ý nghĩa.

Cuốn sách của Rajan, giống như cuốn "Tương lai của Chủ nghĩa Tư bản" của nhà kinh tế học Paul Collier thuộc Đại học Oxford, thuộc một phong cách chỉ trích đang phát triển nhanh chóng trong số những người bạn của chủ nghĩa tư bản. Rajan là người đề xướng chủ nghĩa tư bản, thừa nhận nó giờ đây không còn làm việc vì lợi ích của xã hội nữa, và do vậy phải đưa nó trở lại vòng kiểm soát.

Cuốn "Trụ cột thứ ba" đưa ra bối cảnh lịch sử sâu rộng để giải thích thời điểm hiện tại, nhưng nó thành công nhất khi lần theo vết tích của những tiến triển diễn ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để giải thích tại sao mọi việc lại bắt đầu trở nên tồi tệ vào khoảng năm 1970. Cho đến thời điểm đó, thế giới vẫn đang bận rộn với việc phục hồi và xây dựng lại, tăng trưởng kinh tế đã nhận được thêm sự hỗ trợ từ việc chấp nhận những công nghệ tiên phong thông qua việc đầu tư thay thế.

Tuy nhiên, tăng trưởng theo chuỗi đã giảm tốc kể từ năm 1970, mà nguyên nhân là do rất nhiều những khó khăn hiện nay của chúng ta. Nguyên nhân xuyên suốt lớn nhất là các chính phủ không có ý tưởng nào trong việc giải quyết tình trạng suy giảm này, ngoài việc hứa hẹn sẽ phục hồi lại thiên đường đã mất sau chiến tranh.

Trong phần lớn trường hợp, điều này có nghĩa là tăng cường vay mượn. Và ở châu Âu, các nhà lãnh đạo đã theo đuổi việc thống nhất lục địa với mục tiêu lớn lao là ngăn chặn những kịch bản tàn sát tái diễn. Tuy nhiên, trong khi hăm hở tìm cách bảo vệ những lợi ích rõ ràng của việc hợp nhất, họ lại quên không đưa những công dân của họ đi theo. Kể từ đó, họ biết được rằng đi sau thái độ ngạo mạn sẽ là sự báo ứng.

Thành công của nền dân chủ xã hội trong kỷ nguyên sau chiến tranh đã làm suy yếu quyền lực của thị trường có chức năng gây ảnh hưởng kiềm chế lên nhà nước. Theo Ranjan, những bên tham gia bị suy yếu này, ở cả châu Âu lẫn Mỹ, đã không ở vào vị trí có thể xử lý được cuộc cách mạng về công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) mà họ phải đối mặt, và do vậy họ đã để mặc những người dân bình thường tự đương đầu với những mối đe dọa đối với bản thân họ. Thay vì giúp công nhân của họ thích nghi với sự đột phá này, các công ty lại làm cho tình hình trở nên tồi tệ thêm băng việc lợi dụng tính chất dễ bị tổn thương của nhân viên của họ để làm giàu cho những cổ đông và nhà quản lý.

Và họ đã làm giàu cho bản thân họ như thế nào? Với việc những khoản thu nhập hộ gia đình trung bình phần lớn không thay đổi cho đến nay trong khi của cải ngày càng đổ dồn về lớp người giàu có, chủ nghĩa tư bản đã trở nên hết sức không công bằng và mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Để xoa dịu những người chống đối, thị trường đã kêu gọi nhà nước bảo vệ, mà không hề hiểu rằng một nhà nước theo đường lối dân túy cánh hữu cuối cùng sẽ "ăn tươi nuốt sống" thị trường.

Hai điểm trong câu chuyện của Rajan cần phải nhấn mạnh ở đây. Thứ nhất, tăng trưởng giảm tốc là nguyên nhân chủ chốt, mặc dù không phải là điều dễ nhận thấy, dẫn đến tình trạng tồi tệ của xã hội và kinh tế hiện nay. Thứ hai, những hậu quả không may của cuộc cách mạng ICT không phải là tài sản cố hữu của quá trình thay đổi công nghệ.

Trái lại, như Rajan lưu ý, nó phản ánh một "thất bại của nhà nước và thị trường trong việc điều chỉnh thị trường." Mặc dù Rajan không nhấn mạnh điều này, điểm thứ hai này đem lại cho chúng ta lý do để hy vọng. Nó có nghĩa là ICT không bắt chúng ta phải chịu đựng một tương lai thất nghiệp; việc hoạch định chính sách một cách trong sáng vẫn có vai trò của nó.

Bản liệt kê của Rajan về hành vi đòi bại của công ty nói lên rất nhiều điều, và đặc biệt khi nó được nêu ra bởi một giáo sư thuộc một trường kinh doanh nổi tiếng. Ngay từ đầu, học thuyết theo trường phái gần như tuyệt đối về địa vị ưu việt của cổ đông đã giúp bảo vệ các nhà quản lý với cái giá hy sinh người làm công, và những tác động tồi tệ của nó còn được nhân lên bởi tập quán trả lương hậu hĩnh cho những nhà quản lý đang làm việc.

[Chủ nghĩa tư bản cần phải thay đổi để có trách nhiệm hơn với xã hội]

Trong cuốn "Tương lai của Chủ nghĩa tư bản," Collier đã đưa ra một sự so sánh tương tự từ nước Anh, kể lại câu chuyện về công ty Imperal Chemical Industries (ICI), công ty Anh được ngưỡng mộ nhất thời trẻ của ông (và cũng là của tôi nữa). Khi trưởng thành hơn, chúng tôi đều hy vọng đến một ngày nào đó có cơ hội được làm việc tại công ty ICI, là công ty có sứ mạng "trở thành công ty hóa chất tuyệt vời nhất trên thế giới." Tuy nhiên, vào những năm 1990, ICI đã sửa lại mục tiêu ban đầu của nó bằng việc theo đuổi giá trị của cổ đông. Và theo lời Collier, chỉ riêng việc thay đổi này thôi đã phá hỏng công ty.

Vậy thì cộng đồng nói tới là cộng đồng nào đây? Mỹ đã có thời dẫn đầu thế giới về giáo dục công, xây dựng các trường học địa phương nơi tất cả trẻ em có năng khiếu cũng như có hoàn cảnh kinh tế khác nhau cùng học bên nhau. Và khi giáo dục tiểu học trở nên không đủ, các cộng đồng bắt đầu hộ trợ cho việc tất cả các em được vào trung học.

Tuy nhiên, giờ đây, khi một tấm bằng đại học là một điều kiện tiên quyết cho thành công, thì ngày càng có nhiều trẻ em có năng khiếu quay sang theo đuổi những gì của chúng nằm bên ngoài cộng đồng, để cuối cùng tự tách mình ra trong tình trạng cô đơn tại các thành phố đang phát triển nhanh chóng, là nơi mà những kẻ kém tài hơn bị gạt ra ngoài lề vì chi phí sinh hoạt hết sức đắt đỏ. Những người đã thành công từ chế độ ưu đãi nhân tài giờ đây tự hài lòng với cuộc sống tại những nơi tá túc rực sáng ánh đèn của mình tại các thành phố.

Collier cũng kể một câu chuyện tương tự ở nước Anh, nơi tài năng và thu nhập quốc gia ngày càng tập trung vào thành phố London, để lại các cộng đồng khác đang hết sức thất vọng và giận dữ lại sau lưng.

Tuy nhiên, như Janan Ganesh của tạp chí Financial Times chỉ ra, những thành phần tinh tú ở thành phố này giờ đây đang thấy mình giống như đang "bị cột vào một xác chết."

Về phần mình, Rajan coi chế độ sử dụng nhân tài là sản phẩm của cuộc cách mạng ICT. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nó còn lâu hơn thế. Xét cho cùng, nhà xã hội học người Anh Michael Young đã cho xuất bản tác phẩm mang tính tiên tri của ông về một phản địa đàng có tên gọi Sự nổi lên của chế độ nhân tài từ năm 1958. Quả thực, Collier và tôi nằm trong số những người được đánh giá là những nhân tài đầu tiên của nước Anh.

Bị giới tinh hoa kiểm soát, chủ nghĩa tư bản đang 'hắt hơi sổ mũi'? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Alabama Today)

Và đúng như Young tiên đoán, thế hệ tài năng chúng tôi đã phá vỡ hệ thống sử dụng nhân tài này trong những thế hệ tiếp sau đó, trong khi vẫn tiếp tục ca tụng những phẩm chất tuyệt vời của nó.

Tại Scotland, nơi tôi sinh ra và lớn lên, những người tài năng trong cộng đồng địa phương, những nhà trí thức, nhà văn, nhà sử học, và nghệ sỹ tất cả đều ra đi tìm kiếm những đồng cỏ rộng lớn hơn, hay đơn thuần từ bỏ ganh đua với các siêu sao của thị trường đại chúng. Chúng ta nghèo đi vì lý do đó.

Giống như Rajan, tôi nghĩ rằng cộng đồng giờ đây là nạn nhân của việc một thiểu số tinh hoa đang kiểm soát cả thị trường lẫn nhà nước. Nhưng khác với ông, tôi nghi ngờ điều cho rằng các cộng đồng địa phương hay một chính sách địa phương chủ nghĩa (bao trùm hay không) hùng mạnh hơn có thể là cái sẽ cứu những gì đang gây rắc rối cho chúng ta. Vị thần chế độ nhân tài giờ đây không thể đưa trở lại vào trong chai nữa rồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục