Nền văn minh ở đáy hồ

Bí mật nền văn minh cổ đại dưới đáy hồ Issyk Kul

Ở hồ Issyk Kul, các nhà khảo cổ học phát hiện những dấu vết về sự tồn tại của nền văn minh phát triển rực rỡ cách đây 2.500 năm.
Tiến hành thám hiểm hồ Issyk Kul, nằm trên vùng núi Kyrgyz, các nhà khảo cổ học quốc tế đã phát hiện những dấu vết về sự tồn tại của một nền văn minh phát triển rực rỡ cách đây 25 thế kỷ, cùng thời kỳ với các nền văn minh Hellenic ở khu vực bờ biển phía bắc của Pontus Euxinus (Biển Đen) và bờ Địa Trung Hải của Ai Cập.

Hồ Issyk Kul đóng một vai trò to lớn trong lịch sử phát triển loài người bởi vị trí địa lý của hồ này nằm ở điểm giao cắt giữa Indo-Aryan và các tuyến đường di chuyển của các bộ lạc du mục.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của nhiều loại hình tôn giáo đã từng tồn tại ở đây như đạo thờ thần lửa, Phật giáo, Do Thái, Cơ Đốc và Hồi giáo. Gần đó là thành phố cổ Chihu, thủ phủ của nhà nước hùng mạnh một thời của các bộ lạc người Wusung mà những cuốn sử biên niên của người Trung Quốc cổ đại nhiều lần đề cập đến.

Con đường tơ lụa chạy men theo bờ hồ tồn tại cho đến tận thế kỷ 18. Thậm chí cho đến ngày nay, hậu duệ của những nhà buôn đường dài ngày xưa vẫn còn nhắc lại các câu chuyện của tổ tiên họ trong những cuộc hành trình đi từ châu Á sang châu Âu và ngược lại.

Tamerlane đã cho xây dựng một pháo đài trên một trong những hòn đảo nhỏ trên hồ để giam giữ những người tù xuất thân từ tầng lớp quý tộc và để cất giấu các kho báu của ông. Những chuyến thám hiểm châu Á nổi tiếng của các nhà thám hiểm người Nga như Dmitry Przhevalsky và Pyotr Semyonov-Tianshansky đều bắt đầu từ đó.

Nhà thám hiểm Pyotr Semyonov-Tianshansky để lại một điều bí ẩn thú vị, đó là năm 1850, khi đến thành Venice, ông tình cờ thấy một tấm bản đồ của xứ Cataluya (Tây Ban Nha) được vẽ năm 1375 và bắt gặp một bức họa vẽ một tu viện ở ven hồ với dòng chú thích: "Địa danh này được đặt tên là Isikol. Đây là tu viện của những người đạo hữu dòng Armenia. Nơi đây tương truyền lưu giữ những di vật của Thánh Matthew the Apostle và Evangelist."

Semyonov-Tianshansky đã tiến hành một cuộc tìm kiếm trong vô vọng. Tất cả những gì còn lại là một tu viện chìm sâu dưới nước.

Các nhà sử học Kyrgyzstan, trong đó có Vladimir Ploskikh, Phó Chủ tịch Học viện khoa học Kyrgyzstan, đã sát cánh với các đồng nghiệp Nga tiến hành thám hiểm lòng hồ Issyk Kul đầy bí ẩn và độc đáo này.

Tất cả các đồng nghiệp người Nga tham dự cuộc thám hiểm lần này đều là những thợ lặn nhiều kinh nghiệm và là thành viên Liên đoàn thể thao dưới nước của Nga. Các thợ lặn được trang bị bình dưỡng khí đã nhiều lần lặn xuống đáy hồ để nghiên cứu.

Những kết quả mà nhóm khảo cổ công bố đã gây chấn động dư luận. Trong đó phải kể đến việc phát hiện ra những khu vực cư ngụ rộng lớn, hiện vẫn còn nằm sâu dưới lòng hồ.

Trong quá trình tiến hành thăm dò ở bờ bắc dưới độ sâu từ 5 đến 10m, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy những bức tường chạy dài liên tục, có đoạn dài đến 500m - dấu tích của một thành phố rộng lớn có diện tích lên đến vài km2. Nói cách khác, ở thời điểm lúc bấy giờ thì thành phố này là một thủ đô.

Nhóm này cũng tìm thấy những nấm mồ của người Scythian, đã bị sóng bào mòn đi sau nhiều thế kỷ, và vô số các loại vũ khí vẫn còn khá nguyên vẹn, như các rìu chiến, đầu mũi tên, lưỡi mác và những đồ vật khác được làm ra bởi bàn tay khéo léo của những người thợ rèn. Các khuôn dùng để đúc và một thỏi vàng được đúc theo kiểu có nhiều bề mặt được dùng là đơn vị tiền tệ thời bấy giờ cũng được tìm thấy tại đây.

Một số đồ tạo tác khác của người xưa khiến chúng ta phải sững sờ. Một cái vạc bằng đồng có niên đại khoảng 2.500 năm đã được các nhà khảo cổ tìm thấy dưới đáy hồ. Những nét hoa văn tinh tế do những người thợ thủ công xưa tạo ra khiến con người hiện đại phải trầm trồ thán phục. Ngày nay, để nối được các chi tiết lại với nhau bằng những đường nét tuyệt hảo như thế chúng ta phải sử dụng đến khí trơ.

Trình độ khéo léo của người xưa cũng được thể hiện trên những chiếc gương làm bằng đồng, những bộ yên cương và nhiều đồ vật khác. Những cổ vật hiện đang được đánh giá là những đồng tiền lâu đời nhất trên thế giới cũng được tìm thấy dưới nước như những chiếc nhẫn vàng được sử dụng trong những cuộc trao đổi nhỏ lẻ và những thỏi vàng hình lục giác.

Ngoài những khu cư ngụ, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những địa điểm mà người xưa đã tiến hành các nghi lễ tôn giáo xa xưa, những ngôi nhà và những công trình xây dựng bề thế. Các cuộc thám hiểm sau này sẽ tiến hành nghiên cứu những địa điểm này.

Những thông tin thu lượm được ở đây cho phép chúng ta phỏng đoán rằng những người cổ đại sinh sống ở đây đã thiết lập một hệ thống kinh tế xã hội mà ngày nay các nhà sử học vẫn chưa biết được.

Do có sự pha trộn giữa cuộc sống của người du mục và của những người định cư, hệ thống này đã dần biến đổi thành một loại hình nào khác hoặc nhiều khả năng hơn đã bị phá hủy bởi một trong nhiều trận lụt diễn ra ở đây. Các câu chuyện còn truyền lại đến ngày nay khiến người ta nghiêng theo giả thuyết thứ hai nhiều hơn./.

Đình Vũ (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục