Bí mật về em gái cố Tổng thống Kennedy lần đầu được phơi bày

Gia đình Kennedy đã cố gắng che giấu bí mật về khuyết tật tâm thần của Rosemary - em gái cố Tổng thống John F. Kennedy - với tất cả mọi người, thậm chí ngay cả với chính người bệnh.
Bí mật về em gái cố Tổng thống Kennedy lần đầu được phơi bày ảnh 1Rosemary Kennedy, ngồi thứ hai từ bên phải, chụp ảnh cùng gia đình vào thời điểm những năm 1930. (Nguồn: Getty)

Nhiều thập kỷ qua, những bí mật về Rosemary - em gái của cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy - luôn được gia đình Kennedy giấu kín.

Rosemary khi được sinh ra đã bị khuyết tật về tâm thần. Điều tệ hại hơn là sau một cuộc phẫu thuật mở thùy não, cuộc sống của bà đã hoàn toàn bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Mới đây, cháu trai của bà là Timothy Shriver đã tiết lộ những bí mật về người cô của mình trong một cuốn sách mới mang tên ''Fully Alive,'' nói về công việc của Shriver với các vận động viên khuyết tật.

Gia đình Rosemary cho rằng rằng khuyết tật của bà là do thiếu oxy khi sinh, và đã cố gắng hết sức để giấu kín bí mật này bằng cách vẫn gửi bà cùng các anh chị em khác đi học chung một trường, đồng thời khuyến khích bà tham gia các hoạt động cùng họ.

“Gia đình đã cố gắng giấu không cho bạn bè, và thậm chí là cả cô Rosemary, biết về bệnh tình của cô ấy,” Shriver viết. “Nhưng sự che giấu này khiến cho cô Rosemary cảm thấy bối rối và bất lực khi không theo kịp được những người khác.”

Bí mật về em gái cố Tổng thống Kennedy lần đầu được phơi bày ảnh 2Rosemary (bìa phải) hồi 19 tuổi, với mẹ Rose và em gái Kathleen chụp năm 1938.  Cô đã trải qua cuộc phẫu thuật mở thùy não bất thành 3 năm sau đó. (Nguồn: Getty)

Sau khi cùng với cha của bà là ông Joseph Kennedy chuyển tới sống ở Anh, Rosemary nhanh chóng trở nên dễ cáu giận và bạo lực. Vào năm 1941, cha của bà đã nói chuyện với các bác sỹ về tính khí của Rosemary.

“Ông tôi đã lên kế hoạch thực hiện phẫu thuật mở thùy não cho cô Rosemary mà không nói với bà tôi hay bất kỳ đứa con nào khác của ông,” Shriver viết.

Shriver mô tả quy trình phẫu thuật “lạnh sống lưng” khi các bác sỹ cắt não trong lúc bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, và chỉ dừng lại khi bệnh nhân đã mất khả năng giao tiếp.

“Trong trường hợp của cô Rosemary, kết quả thật đáng buồn,” Shriver viết. “Cô ấy không thể nói chuyện, không thể đi lại bình thường, và từ đó cho tới cuối đời, cô ấy bắt buộc phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác.”

Bà Rosemary khi đó đã được gửi tới một tổ chức Công giáo ở Winsconsin.

Sau cuộc phẫu thuật, ông Joseph vì quá đau khổ bởi chính quyết định của mình, đã từ chối không gặp con gái, còn những người anh chị em của Rosemary thì không rõ bà ở đâu.

Sau đó rất lâu, bà Rosemary đã tới thăm gia đình của Shriver và theo ký ức của ông Timothy Shriver, bà chỉ có thể nói được một vài từ như “Teddy,” “cái gì đó để ăn,” “em bé” và “Eunice” - tên của mẹ bà.

Trong khi gia đình phải vật lộn để đối diện với sự mất mát này, Shriver tin rằng bà đã gieo cho họ mong muốn được quan tâm chăm sóc cho người khác vô điều kiện.

“Với cô Rosemary, bạn chỉ cần gửi gắm tình yêu thương là sẽ được nhận lại tình yêu thương,” Shriver viết.

Bà Rosemary đã qua đời vào ngày 7/1/2005, hưởng thọ 86 tuổi, tại một bệnh viện ở Wisconsin, với sự có mặt của các anh chị em của bà, bao gồm bà Jean, Eunice, Patricia và ông Ted./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục