Bí quyết làm phim thành công của Therry Michel

Người quay phim tài liệu cần cố gắng chộp lấy những khoảnh khắc, sự kiện quan trọng trong đời sống bởi đó là món quà từ hiện thực...
Hầu như hôm nào cũng tập huấn cho các đạo diễn tới gần 1 giờ chiều mới nghỉ, quỹ thời gian ít ỏi, lại thường xuyên bị phóng viên đeo bám nhưng đạo diễn Therry Michel vẫn rất nhiệt tình trả lời phỏng vấn phóng viên VietnamPlus những vấn đề liên quan tới việc sản xuất phim tài liệu.

Bí quyết 1: Vừa đạo diễn vừa quay phim

- Mất 10 năm để hoàn thành “Sự biến đổi của một nhà ga”, vậy ông có thể chia sẻ những khó khăn khi làm bộ phim tài liệu này?


Đạo diễn Thierry Michel:
Khó khăn lớn nhất có lẽ là vấn đề ngân sách. Bởi lúc đầu công trình chỉ dự kiến làm trong 5 năm nên ngân sách của đoàn phim cũng chỉ dự kiến đủ cho chừng ấy thời gian.

Về sau, có nhiều khó khăn như vấn đề về mặt công nghệ nên thời gian thực hiện công trình phải tăng gấp đôi. Và, chính vì quay bộ phim này phải theo từ đầu đến cuối nên thời gian tôi quay xong bộ phim cũng lên tới 10 năm.

Nhưng việc thời gian kéo dài hơn dự kiến có thể coi như một món quà mà hiện thực đã tặng tôi. Vì nhờ thời gian bị kéo dài nên khi xem phim quý vị có thể thấy một tiết tấu rất năng động, độ dày của hiện thực được thể hiện trọn vẹn trong đó.

- Vậy còn việc cùng lúc phải đảm nhận nhiều vai trò như xây dựng kịch bản, đạo diễn, quay phim… trong các bộ phim tài liệu là khó khăn hay thuận lợi với ông?

Đạo diễn Thierry Michel: Thực ra không có khó khăn nào cả mà chỉ có thuận lợi thôi. Thuận lợi ở đây là sự nhất quán trong tất cả các khâu của bộ phim, như chính tôi là người đi khảo sát, tiến hành điều tra về mặt báo chí để tìm hiểu vấn đề và sau đó cũng chính là người viết kịch bản luôn.

Đến khi thực hiện quay bộ phim cũng như vậy thôi. Như tôi đã nói, người quay phim tài liệu cần luôn cố gắng chộp lấy tất cả những khoảnh khắc, những sự kiện quan trọng của hiện thực đời sống cho nên khi tôi là người đạo diễn đồng thời là quay phim, như thế với bản năng, linh cảm nghề nghiệp của mình tôi sẽ lấy được tất cả những gì mà tôi thấy nó là món quà của hiện thực.

Thống nhất với một mình mình bao giờ cũng dễ dàng hơn là phải thống nhất với nhiều người. Sự đồng nhất từ đầu đến cuối sẽ rất thuận lợi.

Hơn nữa, ngay khi tự quay phim tôi đã có thể hình dung lúc dựng sẽ như thế nào. Chắc ở Việt Nam mọi người đều biết đến đạo diễn Francis Coppola, ông này còn làm luôn được cả nhạc cho phim của mình cơ, tôi thì không có khả năng để sáng tác nên hơi phí và tôi cũng thấy tiếc về điều đó (cười lớn).

- Ông ấn tượng với bộ phim tài liệu nào của Việt Nam?


Đạo diễn Thierry Michel: Thực ra, tôi cũng chưa được xem nhiều phim tài liệu Việt Nam nên sẽ không phải là chuyên gia để có thể đưa ra đánh giá, nhận xét một cách hàn lâm về nền điện ảnh tài liệu Việt Nam.

Phim mới bây giờ tôi thấy có “Giấc mơ là công nhân” của cô Thảo [đạo diễn Trần Phương Thảo-PV]. Tôi coi đây là bộ phim hiện đại nhất trong số những phim do các đạo diễn tài liệu Việt Nam thực hiện ở thời điểm này. Khi xem tôi ấn tượng với nó bởi không thấy có khoảng cách giữa đạo diễn cũng như nhân vật.

Tôi nghĩ, đối với điện ảnh tài liệu của Việt Nam bây giờ, song song với việc tiếp tục làm những bộ phim về lịch sử, về những hồi ức, ký ức các đạo diễn nên làm phim có đề tài về hiện thực cuộc sống đương đại như phim về những người lao động, về những thành công của giới trẻ, về những mâu thuẫn trong cuộc sống… Bởi có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh trong xã hội hiện nay.

Tôi nghĩ điện ảnh tài liệu nó là thứ vừa mang tính lịch sử vừa mang tính đương đại thì chúng ta nên kết hợp cả hai.

- Ông cũng làm phim theo cách đó chứ?

Đạo diễn Thierry Michel:
Thực ra, cá nhân tôi đều làm những bộ phim tài liệu theo cả hai thể loại này. Những bộ phim về lịch sử, hồi ức, ký ức như “Mobutu, Vua của Zai-ia” hoặc những bộ phim về cuộc sống đương đại bây giờ như “Dòng sông Công-gô”. Bản thân trong những bộ phim đương đại đó tôi cũng đưa vào những yếu tố lịch sử như tư liệu, thông tin… Những yếu tố đó sẽ tăng thêm chiều sâu cho bộ phim và càng cuốn hút khán giả.

Bí quyết 2: Cần hội tụ đủ 3 yếu tố

Đánh giá một cách thẳng thắn, theo ông điểm mạnh cũng như điểm yếu của phim tài liệu Việt Nam là gì?


Đạo diễn Thierry Michel:
Điện ảnh tài liệu Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố là về mặt chính trị và điện ảnh. Tôi nghĩ, ở Việt Nam hiện nay sẽ có hai dạng đạo diễn phim tài liệu, thứ nhất là những đạo diễn phim tài liệu lớn tuổi.

Họ chịu ảnh hưởng nhiều bởi nền điện ảnh tài liệu của Liên bang Xô Viết cũ và thường làm những phim nặng tính tuyên truyền có tính quy củ, chặt chẽ theo đúng bài bản và có thể gọi những bộ phim được làm ra có tính chất hàn lâm.

Thứ hai là các đạo diễn tài liệu trẻ có xu hướng quay về xã hội đương đại. Họ tự do, thoải mái hơn trong sáng tác. Về mặt kỹ thuật có thể cho phép họ làm thế vì máy móc bây giờ nhẹ nhàng, đơn giản hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cái tôi của họ xuất hiện một cách rõ ràng hơn trong phim bằng việc tìm đến phong cách thể hiện chủ quan hơn đối với những vấn đề trong xã hội. Và, điểm khác biệt của các đạo diễn trẻ này là họ gắn bó sâu sắc hơn với các nhân vật trong phim của mình. Việt Nam nên khuyến khích loại hình điện ảnh tài liệu của các đạo diễn trẻ này.

Vậy theo ông, cần những yếu tố nào để phim tài liệu Việt Nam có thể hòa nhập được với nền điện ảnh thế giới?

Đạo diễn Thierry Michel:
Tôi nghĩ cần ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là về đào tạo, tôi nghĩ các bạn nên mời những nhà làm phim tài liệu nổi tiếng với những trường phái, phong cách điện ảnh tài liệu khác nhau để đúc rút kinh nghiệm và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Yếu tố thứ hai là sự tự do trong sáng tác.

Yếu tố thứ ba là cần có những nhà sản xuất phim vừa có tài năng quản lý về mặt kinh tế đồng thời vừa có năng lực nghệ thuật cũng như năng lực nhận biết đâu là dự án phim hay, dự án phim tốt để khuyến khích đạo diễn phát triển và sau đó tìm được các nguồn tài chính trong nước, quốc tế để giúp cho đạo diễn có thể phát triển dự án phim của mình.

Tóm lại, nhà sản xuất đó có thể là người sẽ đi tới các liên hoan phim quốc tế, có thể nói được tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, có thể soạn thảo được những hợp đồng… Có nhà sản xuất tốt thì đạo diễn mới có thể chuyên tâm vào công việc của mình.

Tôi nghĩ cả ba yếu tố này phải được tiến hành song song. Ngoài ra, những chủ đề, đề tài nóng bỏng và hay cũng là yếu tố rất cần thiết. Có những điều tất cả mọi người đều đọc thấy trên báo nhưng không có bộ phim tài liệu nào đề cập tới vấn đề đó cả.

- Vâng, cảm ơn ông.


ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục