Bị truy tố vì sỉ nhục quân nhân Australia tử trận

Cảnh sát Australia vừa truy tố Sheik Haron vì gửi thư phỉ báng đến gia đình những quân nhân Australia tử trận tại Afghanistan.
Cảnh sát liên bang Australia vừa bắt giữ và truy tố Sheik Haron với cáo buộc gửi hàng loạt lá thư mang nội dung phỉ báng đến gia đình của những quân nhân Australia bị tử trận tại Afghanistan.

Cuộc "chiến tranh tâm lý" do Haron, một công dân Australia gốc Iran, 45 tuổi, cư ngụ tại vùng Croydon Part ở bang New South Wales, tự xưng là giáo sĩ, khởi xướng bắt đầu từ năm 2007 khi lính biệt kích Luke Worsley bỏ mạng ngày 23/7/2007 trong khi đơn vị của quân nhân này đột kích vào một xưởng chế tạo bom của Taliban ở tỉnh Oruzgan.

Khi thi hài Worsley mới được đưa về Australia để lo chuyện an táng thì gia đình anh nhận được một lá thư trên mạng Internet, được viết bằng một thứ tiếng Anh lủng củng, đầy lỗi chính tả và ngữ pháp, ký tên là "Sheik Haron" (Giáo chủ Haron).

Giữa cảnh "tang gia bối rối", vị "giáo chủ" tự xưng trên đã miệt thị ông bố John Worsley rằng con trai ông đã "chết vô ích" ở Afghanistan. Đồng thời, Haron còn nhấn mạnh rằng "sẽ là một việc đáng làm" nếu ông John Worsley yêu cầu Bộ Quốc phòng Australia tổ chức một lễ tưởng niệm cho những "nạn nhân vô tội, bất kể họ có bị người Australia giết hại hay không".

Phát biểu với các nhà báo, ông Worsley cho biết lá thư đó đã làm họ đau đớn, tuy nhiên họ vẫn tự hào về con trai mình.

Sự việc trên đã lặp đi lặp lại với gia đình của nhiều quân nhân tử trận khác như Michael Fussel, Gregory Sher, Mathew Hopkins, Brett Till, Jackson Marks và Benjamin Ranaudo. Đặc biệt, Haron đã tàn nhẫn khi "vác mặt" tới dự tang lễ của Brett Till và trao tận tay lá thư nhục mạ cho vợ của người quá cố.

Trong các lá thư này, Haron gọi những quân nhân trên là những "tội phạm" (criminals), "những tên giết người" (killers), những "kẻ sát nhân" (murderers) và "tham gia cuộc chiến tranh xâm lược".

Sau hai năm "tác nghiệp", Sheik Haron đã bị bắt hôm 21/10 và bị truy tố với 7 tội danh liên quan đến việc sử dụng dịch vụ bưu điện và các phương tiện tương tự để "đe dọa, quấy nhiễu và nhục mạ" người khác. Theo luật pháp Australia, nếu bị kết tội, "giáo sĩ" này có thể bị phạt tới hai năm tù giam.

Trước sự việc này, thân nhân của các tử sĩ Australia cho rằng nếu những kẻ như Haron không thích ứng được với đất nước Australia thì họ có thể "cuốn gói" khỏi "xứ sở chuột túi".

Ngay cả Thủ tướng Kevin Rudd tuy không phát biểu thẳng về vấn đề này nhưng cũng có ý kiến tương tự. Ông Rudd cho biết ông không thể bình luận trực tiếp về cá nhân Haron vì vấn đề đang được tòa án xem xét, tuy nhiên ông nhắc lại đến luật di trú và những cam kết khi các dân di cư xin nhập cảnh vào Australia hay tuyên thệ khi nhập quốc tịch Australia.

Các cơ quan an ninh Australia hiện đang đặt câu hỏi tại sao vị "giáo chủ" nói trên lại có ngay địa chỉ và tên tuổi của thân nhân các binh sĩ tử trận"./.

Đoàn Hùng/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục