Bí xanh thơm-loại cây trồng giúp người nông dân Ba Bể thoát nghèo

Những năm gần đây, bí xanh thơm trở thành một loại cây trồng chủ lực tại huyện miền núi Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Toàn huyện hiện có khoảng 75 ha trồng bí, cho thu nhập khoảng 280 triệu Đồng/1ha.

Đến với huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn những ngày này, người ta không khỏi trầm trồ trước những vườn bí xanh trĩu quả. Những trái bí lúc lỉu như đàn lợn con đu mình trên giàn tỏa hương thơm ngát.

Đây là một đặc sản nằm trong chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” của địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện miền núi nghèo Ba Bể, cải thiện đáng kể đời sống của bà con nông dân.

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung-Giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Đây là loại cây giảm nghèo của chúng tôi, đặc biệt ở hai xã Yến Dương và Địa Linh. Toàn huyện hiện có khoảng 75 ha trồng bí. So với trồng lúa, trồng ngô hay các loại hoa màu khác, trái bí này đem lại giá trị cao gấp khoảng 10 lần. Vì thế, bà con nơi đây rất chăm chút loại cây này, coi nó là nguồn thu nhập chính.”

Giống bí xanh thơm này có ưu điểm nổi bật là thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70-75 ngày). Cây sinh trưởng phát triển khỏe, nhánh gọn, ra hoa tập trung sau trồng 40-45 ngày. Quả có màu xanh bóng, thon dài đều, kích thước quả trung bình từ 1,5-4 kg. Gọi là bí xanh thơm vì cả thân, lá và hoa bí xanh đều có mùi thơm. Khi chế biến phần thịt bí rất dẻo, mùi vị ngọt dịu, hấp dẫn phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Ngoài ra, loại cây này rất dễ trồng và chăm sóc, phù hợp với đặc thù của cộng đồng dân cư miền núi, không được tiếp cận nhiều với khoa học, kỹ thuật, đồng thời rất dễ bảo quản, phù hợp với vận chuyển xa, tối ưu lợi nhuận cho người trồng. Bình quân mỗi ha cho thu khoảng 50-70 tấn tương ứng với khoảng 280 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh-Phó Chánh văn phòng điều phối Xây dựng nông thông mới tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Khi tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh, loại bí này được công nhận là sản phẩm 3 sao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, mở rộng mô hình này ra các vùng, các xã lân cận có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp.”

Ngoài sản phẩm thô là quả, người nông dân Ba Bể còn sáng tạo ra các sản phẩm chế biến từ bí xanh, nâng cao giá trị của loại nông sản này như: Bí xanh sấy,mứt, bí thái sẵn để xào, làm bột ăn dặm cho trẻ em... đem lại giá trị kinh tế và cơ hội việc làm cho nhiều người.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh-Phó Chánh văn phòng điều phối Xây dựng nông thông mới tỉnh Bắc Kạn khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo ra thêm nhiều sản phẩm để tham gia OCOP theo hướng chế biến sâu để tăng sự hài lòng của thị trường, phục vụ cho nhiều khách hàng hơn, qua đó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.”

Trồng bí xanh thơm đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là những thành quả đáng mừng của chương trình OCOP với cây trồng vốn được coi là hoa màu phụ trong sản xuất nông nghiệp.

Với những thành công đã đạt được, thương hiệu bí xanh thơm Bắc Kạn hứa hẹn sẽ trở thành một sản phẩm có tên tuổi, có thể xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài, đem lại nguồn kinh tế lâu dài, bền vững cho bà con huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn./.

(Vietnam+)