Thiếu "biếm sỹ" trẻ

Biếm họa Việt Nam đang thiếu lớp trẻ kế cận

Việc các tác giả dự thi cúp Rồng tre chủ yếu ở độ tuổi 40-50 đã làm dấy lên lo ngại biếm họa Việt Nam “không có lớp trẻ kế cận".
Trong đời sống báo chí, biếm họa có ý nghĩa và sức mạnh rất lớn, được coi là một thể loại “báo chí nghệ thuật” như nhận định của ngài Peter Lysholt Hansen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã từng nói. Những năm gần đây, đời sống của biếm họa trong nước đang được khuấy động trở lại bằng “luồng gió” Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam Cúp Rồng tre do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) khởi xướng. Bắt đầu từ năm 2007 và được tổ chức hai năm một lần, năm nay không khí biếm họa lần thứ hai có phần sôi động hơn với chủ đề “Giao thông thời… hội nhập”. Một tín hiệu đáng mừng, theo như Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Lý Trực Dũng cho biết là báo Nhân dân đã có kế hoạch mua lại toàn bộ những bức tranh biếm họa tham dự giải lần này. Ông Dũng cũng phấn khởi nhận định: “Năm nay, các tác phẩm gửi dự thi đã có những chuyển biến thật sự cả về chất và lượng so với cuộc thi trước”. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho hay, ở giải lần này buồn vì quá ít họa sỹ trẻ góp mặt, chỉ có một họa sỹ nhí 12 tuổi Nguyễn Bảo Linh tham gia và giành được giải khuyến khích với bức tranh lấy ý tưởng dựa trên câu chuyện về cuộc đua giữa thỏ và rùa. Còn lại, gần 80 tác giả của khoảng 400 tác phẩm dự thi chủ yếu đều ở độ tuổi 40 đến 50. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo bày tỏ mối lo ngại vì nhìn tổng quan mảng biếm họa Việt Nam đang “không có lớp trẻ kế cận”. Và, ông cũng thừa nhận một trong những lý do gây nên hạn chế trong cuộc thi chính là việc còn thiếu dân chủ trong sáng tác. Ban tổ chức cũng hy vọng, ở những lần tới các “biếm sỹ” sẽ không chỉ gửi tranh dự thi mà còn mở rộng chất liệu châm biếm là những bức tượng. Cuộc thi biếm họa lần thứ hai đã khép lại nhưng dư âm của nó không chỉ là thể hiện tiếng cười công kích, đả phá đối với những cái xấu, những cái bất cập hay những điều chướng tai gai mắt mà còn mang tới tiếng cười lạc quan, hướng người xem tới những cái tốt, cái đẹp, tới sự cảm thông với những khó khăn chung mà xã hội đang phải đối mặt. Cúp Rồng tre năm nay đã thuộc về “biếm sỹ” NOP-Hà Xuân Nồng với chùm tranh hai bức “Ba giai đoạn” và “Bài học muộn”. Ngay sau lễ  trao giải Ban tổ chức đã khai mạc triển lãm tranh biếm họa gồm 130 tác phẩm, trưng bày từ  ngày mồng 1 đến hết ngày 7/4. Sau đó, lần đầu tiên Giải Biếm họa sẽ được đưa vào triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ban tổ chức dự kiến thời gian vào đầu tháng 5 tới đồng thời triển lãm sẽ kết hợp trao giải cho các tác giả đọat giải ở phía Nam./.
Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm/lần và bắt đầu từ lần thứ II sẽ chính thức chọn trao Cúp Rồng Tre cho giải Nhất.

Tên Cúp “Rồng Tre” là gợi hứng từ tên vở kịch Con rồng tre nổi tiếng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người khai sinh ra nền Biếm họa Báo chí Việt Nam. Vở kịch được viết bằng tiếng Pháp, do Câu lạc bộ Ngoại ô Paris dàn dựng và công diễn ngày 18/6/1922, nhân dịp vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa Marseille. Nội dung: một gốc tre được người chơi đồ cổ gọt thành con rồng để trang trí trong phòng khách. Hình dáng rồng nhưng thực chất chỉ là gốc tre... (Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam).

Để tiếp tục ghi nhớ vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với thể loại biếm họa, Ban tổ chức mượn hai từ “Rồng Tre” này để thể hiện tiếng cười châm biếm, hài hước, mang tính xây dựng, nhằm hướng tới một xã hội tốt đẹp, văn minh, hoàn thiện hơn.
Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục