Biển Australia "gồng mình" trước biến đổi khí hậu

Môi trường biển của Australia đang ở mức "thấp nhất" và phải "gồng mình" gánh chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.
Các nhà khoa học Australia trong một báo cáo gần đây cho biết môi trường biển của Australia đang ở mức "thấp nhất" và phải "gồng mình" gánh chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.

Báo cáo trên, được đưa ra tại Hội nghị biến đổi khí hậu biển với sự tham dự của CSIRO và Cơ quan nghiên cứu tính phù hơn trong biến đổi khí hậu quốc gia, cũng đã đưa ra những số liệu cụ thể về môi trường biển hiện nay của Australia, nhấn mạnh rằng đại dương Australia đang thay đổi từng ngày do sự ấm lên của hành tinh và chắc chắn xu hướng thay đổi tiêu cực sẽ diễn ra trong tương lai.

Tiến sỹ Alistair Hobday, một nhà sinh vật biển và là người đóng góp lớn cho công trình nghiên cứu của CSIRO, cho rằng "Môi trường biển của Australia đang trong tình trạng dễ bị tổn thương", tuy nhiên vấn đề chính hiện nay là phải đề ra các chiến lược cụ thể nhằm cứu vãn tình hình, giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu.

Ông khẳng định, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã bắt đầu "phát huy tác dụng" khi nhiệt độ trung bình đã tăng từ 2-4 độ C, cùng lúc lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng đã tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Và nếu trong vòng 30 năm tới, sự thay đổi này vẫn tiếp tục, thế giới chắc chắn sẽ phải "đóng cửa" mọi hoạt động tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và ảnh hưởng tới không gian.

Chính vì vậy, các chính phủ hiện nay cần tìm ra những giải pháp lâu dài nhằm giảm thiểu các tác động nguy hại tới môi trường biển và để tạo ra tính phù hợp giữa hệ thống biển đối với những thay đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo được đưa ra cũng là lời cảnh báo đối với mọi người rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã hiện hữu và rằng "chúng ta cần phải hành động ngay lập tức kể từ hôm nay"./.

Tuấn Anh/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục