Biển đang hình thành từ vết nứt lớn ở châu Phi

Các nhà khoa học khẳng định vết nứt dài 56km, rộng 6m xuất hiện từ 2005 ở sa mạc Ethiopia sẽ phát triển thành biển mới ở châu Phi.
Ngày 3/11, tạp chí “Nghiên cứu địa lý” của Mỹ đã công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và châu Phi khẳng định vết nứt dài 56km, rộng 6m xuất hiện từ năm 2005 ở sa mạc Ethiopia sẽ phát triển thành một biển mới ở châu Phi.

Thu thập các dữ liệu địa chấn từ năm 2005, các nhà khoa học kết luận quá trình tạo ra vết nứt này giống như quá trình diễn ra dưới đáy các đại dương. Hoạt động của một vết nứt tương tự cũng đang làm Biển Đỏ dãn rộng.

Các nhà khoa học cũng xác định được rằng các mảng lục địa châu Phi và Arập gặp nhau ở sa mạc Afar phía Bắc Ethiopia và đang tách ra trong quá trình trôi với tốc độ khoảng 2,54cm một năm trong suốt 30 triệu năm qua, hình thành một vệt lún dài hơn 297km dọc theo sa mạc Afar và Biển Đỏ.

Với tiến độ trôi như hiện nay, các nhà khoa học cho rằng cuối cùng Biển Đỏ sẽ đổ vào một biển lớn mới trong vòng 1 triệu năm nữa. Biển mới này sẽ nối Biển Đỏ với vịnh Aden./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục