Biến đổi khí hậu có thể sớm đe dọa Việt Nam

Việt Nam có thể sớm đối mặt với tác động xấu của biến đổi khí hậu ngay từ năm 2020, ảnh hưởng tới sản lượng lúa gạo và đe dọa cuộc sống của các gia đình sống ven biển vào cuối thế kỷ này.

Việt Nam có thể sớm đối mặt với tác động xấu của biến đổi khí hậu ngay từ năm 2020, ảnh hưởng tới sản lượng lúa gạo và đe dọa cuộc sống của các gia đình sống ven biển vào cuối thế kỷ này.
 
Báo cáo nghiên cứu mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 28/4 tại Hà Nội cho rằng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam có thể giảm mạnh và mực nước biển tăng có thể nhấn chìm hàng chục ngàn hécta đất canh tác vào cuối thế kỷ này, đồng thời khiến cho hàng ngàn gia đình sống ven biển phải tái định cư.
 
Lượng mưa có thể giảm đáng kể ở Việt Nam trong thập kỷ tới và hơn 12 triệu người sẽ phải chịu tác động của tình trạng thiếu nước ngày càng gia tăng, ADB dự báo.
 
Nghiên cứu “Tác động kinh tế của Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á: Báo cáo Đánh giá Khu vực” của ADB lập luận nếu tiếp tục với ý nghĩ “mọi việc sẽ đâu vào đấy,” các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể phải chịu những tổn thất tương đương với 6% tổng sản lượng trong nước hàng năm của các quốc gia này vào cuối thế kỷ này. ADB cho rằng tổn thất này lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
 
Nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác cần phải giải quyết cùng lúc hai mối đe dọa là khủng khoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu bằng việc đưa ra các chương trình “Kích cầu Xanh” – là một phần của các gói kích thích mở rộng – để có thể đồng thời đẩy mạnh kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm đói nghèo, bảo vệ cộng đồng có nguy cơ bị tác động và giảm khí phát thải.
 
Phát biểu tại lễ công bố nghiên cứu, Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi cho rằng khu vực Đông Nam Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất, hơn bất cứ nơi nào khi biến đổi khí hậu diễn ra. Tác động lớn của biến đổi khí hậu đang đến gần buộc các nước phải hành động kịp thời, đầu tư ngay từ bây giờ cho các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
 
ADB cũng lưu ý các nước Đông Nam Á về phương thức cùng thắng (win-win) giúp giảm khí thải trong lĩnh vực năng lượng - đặc biệt tập trung vào các nhà máy năng lượng hiệu quả hơn.
 
Ông Konishi đánh giá cao việc Việt Nam sớm có chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu và cho rằng nên đẩy nhanh thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên bộ trong ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
 
Trưởng đại diện ADB cũng khẳng định cam kết của ngân hàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nhằm thích ứng và giảm thiểu tác hại cũng như tiếp tục nỗ lực để nâng cao nhận thức trong công chúng về những tác động này./.
 
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục