Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng các công trình lớn ở Mỹ

Hàng loạt khu di tích lịch sử, văn hóa, thậm chí các điểm nghiên cứu hàng không vũ trụ quan trọng của Mỹ đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng các công trình lớn ở Mỹ ảnh 1Tượng Nữ thần Tự do từng bị phá hủy một phần do bão Sandy. (Ảnh minh họa. Nguồn: USA Today)

Hàng loạt khu di tích lịch sử, văn hóa, thậm chí các điểm nghiên cứu hàng không vũ trụ quan trọng của Mỹ đang phải đối mặt với mực nước biển dâng, cháy rừng và lũ lụt - những yếu tố của biến đổi khí hậu.

Kết luận trên được Union of Cocerned Scientists (UCS) - một tổ chức độc lập có trụ sở tại Mỹ liên minh các nhà khoa học cùng giải quyết những vấn đề cấp bách của toàn cầu - đưa ra ngày 20/5, nhấn mạnh sự cấp thiết của công tác bảo tồn và các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu.

Trong một báo cáo, các nhà khoa học thuộc UCS đã liệt kê các điểm di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có nhiều di tích quốc gia được coi là biểu tượng của nước Mỹ và là niềm tự hào của người dân nước này, như tượng Nữ thần Tự do và Đảo Ellis ở cảng New York. Cửa ngõ từng đón nhận 14 triệu người nhập cư từ năm 1886 đến 1924 này đang lâm nguy do mực nước biển đã dâng lên 30cm chỉ trong 100 năm qua, hậu quả từ sự ấm lên của Trái Đất.

Bằng chứng cụ thể cho sự nổi giận của thiên nhiên chính là cơn bão Sandy hồi tháng 10/2012, càn quét các bang khu vực Bắc Mỹ, phá hủy một phần không nhỏ tượng Nữ thần Tự do. Để tránh những thiệt hại về sau, giới chức thành phố New York đã phải "dốc hầu bao" lắp đặt lại hệ thống điện cao hơn mực nước biển hiện tại 20cm và các hệ thống điều hòa và làm nóng nhằm đối phó với tình trạng ngập lụt.

Ngoài các di tích trên, các khu vực từng bị thực dân Anh chiếm đóng đầu tiên như North America (Bắc Mỹ) tại Đảo Jamestown ở bang Virginia, hay Pháo đài Monroe đồ sộ, nơi đón nhận nô lệ châu Phi đầu tiên cũng không tránh khỏi tác động của tình trạng xói mòn đường biển.

Không chỉ mực nước biển dâng, cháy rừng cũng được coi là thảm họa khủng khiếp do mức độ thiệt hại nặng nề và khó dự báo trước. Báo cáo nhận định thảm họa cháy rừng đang là mối đe dọa không hề nhỏ đối với cộng đồng thổ dân người da đỏ ở bang New Mexico và Colorado và các thị trấn vốn lừng lẫy một thời nhờ ngành khai thác vàng ở thế kỷ 19 ở bang California.

Phần lớn cơ sở hạ tầng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), trong đó có nhiều trung tâm nghiên cứu-huấn luyện trị giá hàng tỷ USD và các bãi phóng từng thực hiện các sứ mệnh lịch sử, cũng nằm trong danh sách bị tình trạng biến đổi khí hậu đe dọa. Theo báo cáo, nhiều trung tâm của NASA đã bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng nước biển xâm thực, xói mòn bờ biển và các cơn bão biển.

Các chuyên gia USC nêu rõ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung tâm vũ trụ Kennedy tại bang duyên hải Florida, nơi chứng kiến các sứ mệnh của con tàu Apollo đưa con người lên Mặt Trăng và nhiều tàu vũ trụ khác trong hơn 3 thập kỷ qua.

Trong khi đó, một trong những cơ sở quan trọng của NASA là Trung tâm Wallops Flight tại bang Virginia đã hoàn toàn "bó tay" trước tình trạng nước biển dâng cao. Đây là bãi phóng lớn của NASA, từng thực hiện 16.000 vụ phóng tên lửa lên vũ trụ và mực nước biển tại đây đã tăng 23cm kể từ khi trung tâm đi vào hoạt động năm 1945.

Hai "nạn nhân" khác là Trung tâm nghiên cứu Ames ở San Francisco với nhiều cơ sở bị nhấn chìm do tình trạng bão biển gia tăng trong những năm gần đây, và Trung tâm nghiên cứu Langley ở Virginia trị giá 3,5 tỷ USD.

Giới chức NASA đang tăng cường xây dựng tuyến đê chắn sóng, đồng thời tiến hành di dời một số cơ sở vào sâu trong đất liền. Năm trong số bảy trung tâm quan trọng nhất của NASA đều nằm dọc bờ biển.

Báo cáo của USC cho biết khi cơn bão Katrina càn quét nước Mỹ năm 2005, Trung tâm vũ trụ John C. Stennis của NASA đã bị thiệt hại 760 triệu USD. Cơn bão Ike tràn vào bang Texas năm 2008 cũng tàn phá 160 cơ sở của Trung tâm vũ trụ Johnson.

Giới khoa học còn dự báo mực nước biển tăng khoảng 1,5m tại Langley, Hampton cũng thuộc bang Virginia trong hơn 100 năm tính từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Trước những tác động tiêu cực của khí hậu, NASA đã cho xây dựng mới một tổ hợp có tên "New Town" ở vùng đất cao hơn nhằm thay thế các tòa nhà của Trung tâm nghiên cứu Langley bị nước biển xâm chiếm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục