Biến đổi khí hậu khiến nhiều nghề sản xuất khó khăn

Biến đổi khí hậu tại Việt Nam khiến người dân gặp nhiều khó khăn do tăng thêm chi phí sản xuất, giảm sút năng suất và giảm thu nhập.
Ngày 29/11, tại Hà Nội, tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và môi trường (CRES) giới thiệu báo cáo mới nhất về biến đổi khí hậu có tên gọi là "Những tổn thất và thiệt hại - Tác động của biến đổi khí hậu đến người nghèo tại Việt Nam và ứng phó của họ."

Tham dự có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giảm nghèo tại Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu về môi trường.

Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) và huyện Năm Căn (Cà Mau) từ tháng 7-10/2010 cho thấy, những hiện tượng bất thường do biến đổi khí hậu gây ra đã làm tăng thêm chi phí sản xuất, giảm sút năng suất, giảm thu nhập của người dân và làm suy giảm nghề sản xuất.

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, do Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trương Quang Học làm trưởng nhóm, bão đến sớm và mưa kéo dài trong vụ muối là nỗi lo sợ của người dân địa phương vì đó chính là hai trong số các nguyên nhân góp phần làm tăng chi phí và giảm thu nhập từ nghề làm muối.

Mưa bão không những gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh muối tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

Trong suốt một năm, người dân chỉ làm muối thực sự hiệu quả được bốn tháng (từ tháng Tư đến tháng Tám). Trừ những ngày mưa, diêm dân chỉ có hơn 100 ngày nắng.

Những tác động bất lợi tương tự cũng được ghi nhận đối với nông dân làm nghề nuôi tôm ở Năm Căn. Tại đây, nắng hạn làm cho nhiệt độ cao hơn, kéo dài hơn, làm cho tôm nuôi sinh trưởng kém hoặc chết do sốc nhiệt và mặn. Bão cũng xảy ra bất thường với cường độ mạnh làm mất mùa tôm, phá hỏng nhà cửa, thu nhập của hầu hết các ngành nghề bị suy giảm.

Bên cạnh đó, hiện tượng nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn sâu hơn, mưa bất thường xảy ra sớm hoặc muộn hơn so với quy luật cũng gây ra thất thu lớn hoặc mất trắng đối với các hộ nuôi tôm, giảm nguồn thu từ xuất khẩu của tỉnh Cà Mau...

Kết quả điều tra thực địa của nhóm nghiên cứu cho thấy, người dân và chính quyền địa phương đã có những điều chỉnh trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất để thích ứng với những thay đổi của thời tiết và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp thích ứng được áp dụng hiện tại là những gì người dân đúc rút từ chính kinh nghiệm của mình. Do đó, những biện pháp này còn mang tính bị động.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị như cần đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là thúc đẩy lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chiến lược và kế hoạch phát triển của địa phương; nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; đầu tư cho các nghiên cứu với sự tham gia của cộng đồng, giúp tìm ra các giải pháp thích ứng phù hợp cho từng vùng cụ thể, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người nghèo, phụ nữ và trẻ em; tăng cường đầu tư thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến của cộng đồng để có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu một cách chủ động và phù hợp nhất với điều kiện địa phương.

Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cho biết, báo cáo được coi là tài liệu tham khảo và sử dụng trong các diễn đàn quốc tế nhằm kêu gọi đóng góp tài chính từ các nước phát triển để giúp các quốc gia nghèo khắc phục thiệt hại và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị quốc tế tại Cancun, Mêhicô về đàm phán các giải pháp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu vào ngày 29/11/2010./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục