Biên Hòa đón nhận quyết định đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai

Là thành phố công nghiệp lớn của cả nước, Biên Hòa đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai và phấn đấu sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Biên Hòa đón nhận quyết định đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai ảnh 1Một trục đường chính của thành phố Biên Hòa. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 3/2, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã tổ chức lễ kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2016) và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Dành, Bí thư Thành ủy Biên Hòa cho biết, thành phố Biên Hòa hiện là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Nai và là thành phố công nghiệp lớn của cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, Biên Hòa là một trong những đô thị lớn có quy mô dân số trên 1 triệu người.

Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II từ năm 1993 và sau 22 năm phát triển, tăng trưởng kinh tế, tổng thu ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo chuyển biến tích cực.

Ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2488 công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I.

Ông Phạm Anh Dũng, quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Biên Hòa cho hay, mục tiêu mà Biên Hòa phấn đấu đó là hướng đến đô thị loại I vững mạnh và xa hơn nữa là thành phố trực thuộc Trung ương.

Để làm được điều đó, thành phố đang đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, các công trình công cộng góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Thành phố đã và đang chuẩn bị thực hiện một số dự án trọng điểm như dự án cầu An Hảo; xây dựng đường ven sông Cái; xây dựng bờ kè và công viên Cách mạng tháng Tám (phường Quyết Thắng)...

Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố tiếp tục mở rộng quy mô, không gian đô thị để đáp ứng yêu cầu; phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện; quan tâm thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao; di dời một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.

Bên cạnh đó, đầu tư các công trình công cộng, tạo những khoảng không gian như: công viên, tượng đài, hệ thống cây xanh, vườn hoa…; giữ gìn và không ngừng phát huy nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Đảng bộ, chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đô thị loại I./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục