Biển miền Trung có điều kiện chiến lược quan trọng

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định miền Trung là vùng có điều kiện sinh thái đặc thù, vị trí địa lý, chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng.
Tại hội thảo Quốc gia với chủ đề “Khai thác tiềm năng biển, đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức mới đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã khẳng định miền Trung là vùng có điều kiện sinh thái đặc thù, có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng.

Đây là vùng có tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường to lớn như bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng lớn, giàu tài nguyên sinh vật biển, nhiều tiềm năng về năng lượng, khoáng sản, vận tải viển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển. Đặc biệt là dầu khí, thủy sản, khoáng sản, năng lượng và du lịch với nhiều bãi biển đẹp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trong 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có chiều dài gần 1.900km, khu vực này có diện tích khoảng gần 100.000km2, chiếm gần 30% diện tích cả nước, có gần 19 triệu dân, chiếm gần 22% dân số cả nước.

Trong giai đoạn 2006-2010, toàn khu vực miền Trung có tốc độ tăng trưởng trung bình 13%, tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước. Tuy nhiên tỷ trọng GDP của toàn khu vực này trong GDP cả nước chỉ chiếm khoảng 14% năm 2010. Nếu so sánh tỷ trọng dân số so với cả nước (gần 22%) và tỷ trọng GDP so với cả nước (14%) cho thấy DGP/người của khu vực này thấp hơn trung bình của Việt Nam, nói cách khác trình độ phát triển của khu vực này thấp hơn bình quân cả nước.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Bình (Đại học kinh tế Đà Nẵng), 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đều có biển, chiếm 50% số tỉnh trong cả nước có bờ biển, với chiều dài gần 1.900 km, chiếm 57% bờ biển cả nước (3.260km), trong đó thành phố Đà Nẵng có chiều dài bờ biển ít nhất với 70km và Phú Yên có chiều dài bờ biển dài nhất là 189km.

Bờ biển ở khu vực này phần lớn còn hoang sơ chưa được khai thác. Trên vùng lãnh hải có hàng chục đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quí (Bình Thuận). Đây là cơ sở để xác định phát triển kinh tế biển theo hướng lâu dài có tính chất chiến lược cho khu vực miền Trung.

Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Bình cho rằng tiềm năng kinh tế biển của khu vực miền Trung, trước tiên phải khẳng định vị trí của vùng biển này, miền Trung nằm gần một trong những tuyến đường hàng hải năng động nhất thế giới. Trên tuyến đường chiến lược giao thông đường thủy quốc tế với 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất của hành tinh đi qua. Hàng năm, vận chuyển qua biển Đông khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% hàng xuất của Nhật Bản và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Vị trí địa lý vùng biển này cùng với điều kiện địa lý đã cho miền Trung nhiều cảng biển lớn như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nhà Trang, Cam Ranh… trong đó có nhiều cảng nước sâu với công suất hàng hóa thông qua cảng hàng chục triệu tấn/năm, tạo điều kiện tốt để phát triển về vận tải biển và dịch vụ cảng biển.

Bờ biển và vùng lãnh hải rộng lớn chứa các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm và vật liệu xây dựng; các mỏ dầu khí ở vùng thềm lục địa; nhiều nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thải biển, ven biển. Bờ biển không chỉ đẹp về danh lam thắng cảnh mà còn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, dọc bờ biển có nhiều sa khoáng kim loại, nhất là sa khoáng ilmenit, zircon, monãit, riêng Titan gần như phân bố ở tất cả các tỉnh, nhất là Bình Định và Bình Thuận.

Về tài nguyên sinh vật, đây là vùng có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau như dải cát ven bò, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, rong biển, cửa sông, vùng triều, đầm phá, vũng, vịnh biển. Có 243 loại tảo, 159 loài rong biển, 7 loài cỏ biển, 146 loài và các nhóm động vật nổi nước mặn, có hơn 600 loài cá, trong đó có 50 loài cá kinh tế cao như cá đối, cá mòi, cá dìa, cá căng, cá mú, cá ngừ, cá thu, cá cu…; có 57 loại tôm he, đặc biệt là tôm hùm. Riêng nguồn lợi hải sản với trữ lượng cá toàn vùng biển ước tính khoảng 1,25 triệu tấn. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh đem lại nguồn lợi lớn cho dân cư sinh sống ven biển, đây cũng là tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Về tiềm năng năng lượng, miền Trung có tiềm năng để sản xuất điện từ gió, thuỷ triều. sóng. Đặc biệt là nguồn dầu khí, khu vực miền Trung chiếm 4/7 bồn trũng có tiềm năng dầu khí ở Việt Nam.

Đặc biệt, tiềm năng về du lịch biển đảo, với bờ biển dài gần 1.900km, miền Trung có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng), Cửa Đại (Quảng Nam), Mỹ Khê, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Đại Lãnh, Vân Phong, Nha Trang (Khánh Hoà), Ninh Chữ, Cà Ná (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận).

Bên cạnh đó có các đảo gần bờ với cảnh quan thiên nhiên đẹp, có giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều đảo còn khá hoang sơ như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Tre, Hòn Tằm (Khánh Hoà), Phú Quý (Bình Thuận). Hệ thống vịnh như: Vịnh Dung Quất, Thanh Thuỷ (Quảng Ngãi), Vịnh Quy Nhơn (Bình Định), Xuân Đài (Phú Yên), Nha Trang, Vân Phong (Khánh Hoà) là những vịnh đẹp, hội tụ không gian biển giao thoa với đời sống văn hoá ven biển tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng cho vùng miền.

Cùng với những tiềm năng kinh tế biển nêu trên, dọc theo trục bờ biển trong khu vực hiện nay có các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn của Việt Nam đó là: KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), KKT Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hoà), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hoá), Nam Phú Yên (Phú Yên), Đông-Nam Nghệ An (Nghệ An), Hòn La (Quảng Bình), Đông- Nam (Quảng Trị), Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã được thành lập và hoạt động tạo động lực mới cho phát triển kinh tế biển tại các tỉnh trong khu vực này./.

Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục