Biện pháp giúp châu Á thoát khủng hoảng

Phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ dẫn bài viết đăng trên tờ "Business Week" nêu bật một số biện pháp mà các nước châu Á cần tiến hành để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính, trong đó kêu gọi ưu tiên phục hồi kinh tế, mở rộng sáng kiến Chiềng Mai và đẩy mạnh những chương trình xã hội.

Phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ dẫn bài viết đăng trên tờ "Business Week" nêu bật một số biện pháp mà các nước châu Á cần tiến hành để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính, trong đó kêu gọi ưu tiên phục hồi kinh tế, mở rộng sáng kiến Chiềng Mai và đẩy mạnh những chương trình xã hội.

Bài viết cho rằng châu Á cần ưu tiên thực hiện ba biện pháp phục hồi. Trước hết, cần có một quỹ tiền tệ của châu Á, xây dựng trên những hiệp định đối tác song phương của sáng kiến Chiềng Mai (do các nước châu Á phát động trong cuộc khủng hoảng từ một thập niên trước). Quỹ này sẽ giúp ổn định thị trường và nới lỏng sức ép về tỷ giá hối đoái.

Thứ hai, châu Á cần có sự phối hợp tốt hơn về tài chính và các chính sách tài chính và thương mại; cũng như đẩy mạnh hoạt động buôn bán giữa các nước trong châu lục. Cuối cùng, các nước châu Á cần thực hiện những biện pháp kích cầu và tăng cường các chương trình trọng điểm hỗ trợ người nghèo.


Bài báo dẫn lời giới chuyên gia kinh tế cho rằng điều cần thiết lúc này là các nước châu Á cần một sự phục hồi mới từ nhu cầu trong nước, chứ không nên chờ sự phục hồi do xuất khẩu dẫn đầu. Gói kích thích kinh tế 580 tỷ USD của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng và chi phí xã hội là một biện pháp mạnh theo hướng này.

Các nước Đông Á, nhìn chung không bị thâm hụt tài chính nhiều, có thể theo gương Trung Quốc để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Trong khi, các nước Nam Á, như Ấn Độ và Sri Larka, có thể khuyến khích nhu cầu trong nước (vốn đã mạnh) thông qua hình thức lãi suất thấp. Những gói kích thích kinh tế như thế này cần có thời gian để phát huy tác dụng, song trước mắt có thể hạn chế được sự "xuống dốc" về tốc độ tăng trưởng.


Thúc đẩy buôn bán giữa các nước châu Á cũng là một biện pháp kích cầu và giúp những nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á đối phó với nhu cầu xuất khẩu giảm, đặc biệt đối với những nước vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu như Bangladesh, Campuchia, Pakistan và Việt Nam.

Hơn nữa, sáng kiến Chiềng Mai với việc lập một quỹ tiền tệ, vốn đã thu hút được 80 tỷ USD để giúp nhóm ASEAN + 3 trong khủng hoảng, cần được mở rộng và có sự phối hợp tốt hơn trong các chính sách tài chính. Ngoài ra, các nước châu Á cần đẩy mạnh các chương trình xã hội, đặc biệt liên quan tới trẻ em như về giáo dục, y tế; lương thực để giúp người nghèo chống đỡ được khủng hoảng và đảm bảo một tương lai bền vững cho châu lục.

Các nhà phân tích tài chính nhận định năm 2009 là cơ hội để châu Á khắc phục khủng hoảng và nếu biết cùng nhau hợp tác, khu vực này sẽ đối phó được với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Trong thập kỷ qua, châu Á đã đưa khoảng 300 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói và hướng "ngôi nhà kinh tế" của khu vực vào quỹ đạo ổn định, song tất cả điều này đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Không giống cuộc khủng hoảng năm 1997 (do những chính sách kinh tế vĩ mô thiếu hiệu quả và hệ thống tài chính yếu kém trong khu vực gây ra), trong cuộc khủng hoảng lần này, đa số các nước châu Á bị ảnh hưởng mạnh, mặc dù về nguyên tắc cơ bản của kinh tế vĩ mô, các ngân hàng và các công ty đều ở trạng thái tương đối an toàn.

Tốc độ tăng trưởng của châu lục này đã giảm mạnh trong năm 2008 và dự kiến tiếp tục giảm từ 2-3% năm nay, khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, hàng triệu người bị thất nghiệp và có nguy cơ quay lại cảnh nghèo đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục