"Khắc khổ" có thoát suy?

Biện pháp "khắc khổ" có giúp Italy thoát suy thoái?

EC cho rằng mặc dù Italy đã thông qua 2 chương trình "khắc khổ," song nước này sẽ không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013.
Chính phủ Italy ngày 4/12 đã thông qua gói biện pháp "khắc khổ" trong nỗ lực đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ của đất nước và bảo vệ Khu vực đồng euro (Eurozone) trước nguy cơ tan vỡ.

Theo kế hoạch này, Chính phủ Italy muốn tiết kiệm ngân sách khoảng 20 tỷ euro (27 tỷ USD) vào năm 2014, nhưng sẽ chi tiêu thêm 10 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ba năm tới.

Gói biện pháp mới dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua lần cuối trước dịp lễ Giáng sinh.

Về vấn đề lương hưu, Rome sẽ nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 40 năm lên 41 năm đối với nữ và 42 năm đối với nam.

Trong khu vực tư, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ sẽ được nâng từ 60 tuổi hiện nay lên 62 tuổi từ năm 2012 và độ tuổi nghỉ hưu áp dụng cho cả hai giới sẽ là 66 tuổi từ năm 2018.

Chính phủ sẽ đảm bảo cơ chế linh hoạt để người lao động có thể làm việc đến 70 tuổi.

Tất cả các khoản lương hưu, trừ lương của những người có thu nhập thấp nhất (dưới 936 euro), sẽ không được điều chỉnh theo lạm phát trong các năm 2012 và 2013.

Bên cạnh đó, Chính phủ Italy cũng sẽ áp dụng trở lại sắc thuế nhà, được hủy bỏ từ năm 2008, đối với nhà ở chính; đánh thuế đối với các tài sản xa xỉ như ôtô sử dụng nhiều năng lượng, du thuyền và máy bay riêng; tiếp tục tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 21% lên 23% từ năm 2012 nếu cần thiết; áp thuế 1,5% đối với nguồn tiền hồi hương về Italy, vốn được miễn trừ dưới chính quyền cũ.

Các cơ quan chính phủ và chính quyền cấp tỉnh sẽ được tinh giản. Chính phủ cũng sẽ có biện pháp đảm bảo nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi giảm chi tiêu phúc lợi xã hội cho các công ty tuyển lao động nữ và thanh niên.

Chính phủ Italy cũng sẽ đồng thời kiểm soát tiền mặt nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế bằng các biện pháp như cấm các giao dịch bằng tiền mặt trên 1.000 euro thay vì mức 2.500 euro như hiện nay, áp dụng các thanh toán điện tử trong lĩnh vực hành chính công và miễn giảm thuế cho các công ty công khai thu nhập.

Trong vấn đề tự do hóa hoạt động kinh doanh, chính phủ sẽ tăng cường các lực lượng chống độc quyền, cho phép các cửa hàng linh hoạt trong giờ mở cửa, tước bỏ một số đặc quyền của các nhà thuốc trong việc bán các loại thuốc không được kê đơn, nới lỏng các quy định trong lĩnh vực giao thông.

Mặc dù đã thông qua, song Chính phủ Italy cũng cảnh báo chương trình khắc khổ trên sẽ không giúp nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone này tránh khỏi nguy cơ suy thoái trong năm tới, với mức suy giảm 0,4-0,5%.

Italy hiện ở trong tình thế buộc phải lựa chọn giữa việc phải chấp nhận hy sinh hoặc sẽ vỡ nợ.

Ủy ban châu Âu cho rằng mặc dù nước này đã thông qua hai chương trình "khắc khổ," song nước này sẽ không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013 như đã đề ra nếu không "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa. Thậm chí, các nhà kinh tế còn lo ngại với "một sự kết hợp tồi tệ" giữa chi phí vay mượn cao, khối nợ khổng lồ và tăng trưởng kinh tế thấp, Italy có thể vỡ nợ trong vài tháng tới.

Trong vấn đề tăng trưởng kinh tế của Italy, giáo sư kinh tế Giacomo Vaciago ở Đại học Catholic của Milan nhận định kinh tế Italy sẽ rơi vào suy thoái nhẹ trong năm 2012, song có thể phục hồi trong năm 2013.

Sự suy giảm kinh tế của nước này bắt nguồn từ sự sụt giảm nhu cầu trong nước, đặc biệt là do các biện pháp khắc khổ.

Ông Vaciago cho rằng vấn đề thực sự của Italy không phải là khoản nợ công hiện ở mức 120% GDP mà là việc thiếu tăng trưởng kinh tế, điều càng khiến nợ công thêm trầm trọng.

Hiện Italy có đầy đủ tiềm năng cho việc vực dậy tăng trưởng, với điều kiện phải dỡ bỏ tất cả những rào cản như tình trạng phạm pháp và những đặc quyền. Nếu làm được điều này, Italy có thể sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng 2% vào năm 2013.

Trong trường hợp ngược lại, Italy cùng với Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể phải tạm thời rời khỏi Eurozone để phá giá đồng tiền, lấy lại khả năng cạnh tranh, vực dậy tăng trưởng và cuối cùng là khôi phục niềm tin của thị trường.

Tăng cường khả năng cạnh tranh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng là hành động hữu ích nhất trong trường hợp cuộc khủng hoảng tồi tệ thêm.

Trên thực tế, một khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ cũng là vô ích trong dài hạn nếu không đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Italy cũng như không giúp nước này lấy lại niềm tin của thị trường.

Thêm vào đó, việc thiếu một quy trình rõ ràng cho việc một nước rút khỏi Eurozone cũng có thể dẫn tới những cái giá đắt cho khu vực.

Italy bị coi là "con bài" domino vỡ nợ công tiếp theo sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Nếu kịch bản này xảy ra có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của toàn khối Eurozone.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức ngày 5/12, các nhà lãnh đạo châu Âu có ba ngày để cân nhắc về các giải pháp cứu đồng euro trước khi Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 8-9 tới./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục