Biểu tình ở châu Âu phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 11/3, một loạt vụ biểu tình ủng hộ người Kurd, phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã nổ ra tại Anh và Đức, khiến một số người bị thương.
Biểu tình ở châu Âu phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Xe quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Afrin ngày 8/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/3, một loạt vụ biểu tình ủng hộ người Kurd và phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria đã nổ ra tại ở Anh và Đức, khiến một số người bị thương và làm gián đoạn hệ thống giao thông công cộng.

Khoảng 200 người đã tham gia diễu hành trên các đường phố của thủ đô Berlin để phản đối chiến dịch "Nhành ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu đánh bật lực lượng Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại tỉnh Afrin, miền Bắc Syria.

Tình hình trở nên căng thẳng sau khi một số người biểu tình ném đá vào một tòa nhà ở trung tâm thủ đô sau khi bị khiêu khích. Cảnh sát đã phải can thiệp và bắt giữ một số phần tử quá khích.

Cảnh sát liên bang cho biết đã có một số người bị thương trong vụ biểu tình sau khi cảnh sát phải dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông.

Cảnh sát Đức còn cho biết cũng trong ngày 11/3, đụng độ đã xảy ra giữa hai nhóm biểu tình tại sân bay Duesseldorf. Hiện chưa rõ có ai bị thương trong vụ việc hay không.

[Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích NATO không ủng hộ chiến dịch chống người Kurd]

Biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổ ra tại Anh, làm gián đoạn hoạt động tại hai ga tàu Manchester Piccadilly tại thành phố Manchester và King's Cross tại London.

Tại thủ đô, nhà ga King's Cross phải tạm thời ngừng hoạt động do cảnh sát chặn lối vào để ngăn người biểu tình tràn vào sân ga. Trong khi đó, tại Manchester, người biểu tình đổ vào sân ga và đóng cửa nhà ga trong nhiều giờ.

Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông Anh cho biết cơ quan chức năng tôn trọng quyền biểu tình hòa bình song hành động của nhóm biểu tình tại ga Manchester Piccadilly sẽ bị điều tra.

Ankara tuyên bố chiến dịch "Nhành ôliu" nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, song vấn đề này đã gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Mỹ, nước ủng hộ YPG trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Một số nước thành viên NATO lo ngại hành động này của Ankara có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục