Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ ở Hy Lạp

Biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại thủ đô Athens nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ để đổi lấy gói cứu trợ.
Ngày 31/1, các dịch vụ đường sắt và tàu phà tại Hy Lạp đã ngừng hoạt động, bệnh viện và trạm y tế cũng cắt giảm hoạt động xuống mức tối thiểu sau khi nhân viên ngành y tế và vận tải tiến hành cuộc bãi công trên quy mô lớn nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ, điều kiện để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế.

Theo các nhà tổ chức, tại thủ đô Athens, hoạt động giao thông vận tải công cộng đã bị ngưng trệ do các nhân viên lái xe buýt, xe điện, thậm chí cả tàu hỏa đều không làm việc, trong khi nhiều tàu thuyền vẫn neo đậu tại cảng. Hoạt động của một số cơ quan, công sở cũng bị gián đoạn sau khi các nhân viên thuộc nhiều ngành như giáo dục, y tế tiến hành bãi công để phản đối các chính sách khắc nghiệt của chính phủ.

Hàng trăm người biểu tình, mang theo nhiều biểu ngữ phản đối chính phủ, đã tuần hành tới tòa nhà quốc hội, tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi chính phủ xem xét lại các điều kiện do nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu - EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB) đưa ra buộc nước này phải thực hiện để đổi lấy cứu trợ.

Trong khi đó, công đoàn lớn nhất của Hy Lạp - ADEDY, tuyên bố sẽ kêu gọi cuộc tổng bãi công 24 giờ vào ngày 20/2, thời điểm trước khi đại diện các chủ nợ quốc tế tới Athens nhằm đánh giá tiến trình thực hiện những cam kết của nước này để đổi lấy viện trợ.

Đại diện công đoàn ADEDY cho rằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu bổ sung của chính phủ không chỉ làm điêu đứng hệ thống y tế quốc gia, mà còn khiến nhiều người dân rơi vào tình trạng khốn cùng.

Mặc dù kinh tế Hy Lạp được dự báo sẽ xuất hiện điểm sáng vào cuối năm 2013, sau khi nhận được các khoản giải ngân tiếp theo, song theo các nhà phân tích, Athens vẫn phải đối mặt với năm thứ sáu suy thoái liên tiếp với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và khủng hoảng xã hội gia tăng do hoạt động bãi công và biểu tình chưa thể chấm dứt.

Cùng ngày, tại Pháp, hàng chục nghìn người biểu tình đã tuần hành tại thủ đô Paris và nhiều thành phố khác trong cả nước, yêu cầu chính phủ tăng lương.

Đây được xem là thách thức lớn nhất của Tổng thống Francois Hollande trong nỗ lực nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 5/2012.

Dưới sức ép kiểm soát chi tiêu và giảm nợ công, Chính phủ của Tổng thống Hollande buộc phải từ chối nâng lương trong khu vực nhà nước, vốn đã bị cắt giảm mạnh từ chính phủ tiền nhiệm của ông Nicolas Sarkozy hồi năm 2010.

Đại diện công đoàn CGT thuộc khu vực nhà nước Pháp cho biết có khoảng 150.000 người biểu tình và hàng nghìn người thuộc khu vực hành chính công tham gia bãi công.

Liên quan đến tình hình kinh tế Tây Ban Nha, quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, các số liệu thống kê chính thức cho biết kinh tế Tây Ban Nha trong quý cuối cùng của năm ngoái đã suy giảm 0,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ quý I2/2009, sau khi giảm 0,3% trong quý trước.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong quý cuối năm ngoái là 26,02%, mức cao nhất kể từ năm 1975, với gần 6 triệu người không thể tìm được việc làm.

Trong cả năm 2012, kinh tế Tây Ban Nha giảm 1,37%, vẫn tốt hơn so với mức giảm dự kiến là 1,5%.

Nhà kinh tế Raj Badiani thuộc IHS Global Insight nhận định nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone sẽ giảm 0,5% trong quý đầu năm nay do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.

Ông Badiani cho rằng triển vọng năm 2013 và 2014 sẽ không khá hơn năm ngoái, với những trở ngại chính cho đà phục hồi của kinh tế nước này vẫn là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài dai dẳng, kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, dòng tín dụng bị gián đoạn và giá nhà tiếp tục giảm sâu.

Viễn cảnh kinh tế này có thể tác động xấu tới thu nhập của các hộ gia đình, khiến chi tiêu tiêu dùng - hiện đóng góp 56% GDP - sẽ khó mà tạo được sức đẩy cho hoạt động kinh tế trong năm tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục