Biểu tình thứ Sáu đen

Mỹ: Biểu tình phản đối Walmart trong thứ Sáu đen

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở Mỹ trong Ngày thứ Sáu đen nhằm phản đối hệ thống siêu thị Walmart bóc lột người lao động.
Người biểu tình đã tổ chức các sự kiện phản đối tại nhiều cửa hàng Walmart ở Mỹ trong thứ Sáu, ngày mua bán nhộn nhịp nhất trong năm, cáo buộc chuỗi siêu thị giá rẻ này đang bóc lột người lao động. Các cuộc biểu tình diễn ra nhằm phá hoại cơn sốt mua sắm trong ngày Thứ Sáu đen  (Black Friday), vốn đã bắt đầu từ ngày lễ Tạ ơn diễn ra hôm thứ Năm, khi các hoạt động giảm giá mạnh tay của nhiều cửa hàng đã thu hút lượng khách hàng rất lớn. Khoảng 200 nhà hoạt động đứng ngoài  một cửa hàng Walmart lớn ở Secaucus, New Jersey, miệng hô vang những thông điệp chống lại cái gọi là "mặt tối" của công ty tư nhân với lượng lao động lớn nhất Mỹ. Walmart có khoảng 1,3 triệu người lao động không thuộc về công đoàn và họ được gọi là "các cộng tác viên" của công ty. Các nhà phê bình nói rằng lương tính theo giờ của Walmart chỉ dừng ở mức xoàng xĩnh 8,81 USD, dù rằng công ty thông báo mức lương gần 13 USD. "Walmart đã hạ thấp lương xuống!" - họ hô lên - "Tôi ở đây vì người lao động phải được trả một mức lương tương xứng, họ có thể mua được thứ gì đó trong ngày Black Friday và không bị buộc làm việc trong lễ Tạ ơn" - Barry Kushnir, 43 tuổi, một công nhân bảo trì đường ở New Jersey cho biết. Những người biểu tình bao gồm những lao động đã vào công đoàn, các nhà hoạt động đường phố tới từ phong trào Chiếm phố Wall... Trong nhóm người biểu tình không có nhân viên của cửa hàng Walmart. Jaclyn Kessel, một trong các nhà tổ chức biểu tình ở Secaucus nói rằng các nhân viên chuỗi siêu thị sợ hãi bị sa thải và bà tin rằng sẽ không có ai tham gia hoạt động biểu tình. Tuy nhiên sự bất mãn ở Walmart đã có thể nhận rõ trong năm nay, với các cuộc biểu tình và phản đối đã xuất hiện tại hơn 100 thành phố, theo thống kê của công đoàn United Food & Commercial Workers - UFCW, nơi đang vận động vì quyền lợi của các lao động Walmart. Tại Los Angeles, 9 người biểu tình đã bị bắt vì tội chặn lối vào một cửa hàng Walmart ở Paramount. Khoảng 400 người đã tham gia cuộc biểu tình tại cửa hàng này. Đơn vị chính chính đứng sau các cuộc biểu tình, Tổ chức Đoàn kết để được tôn trọng tại Walmart (OUR Walmart), nói rằng họ đang gây sức ép để được "nhận mức lương phù hợp, giờ làm việc bình thường, chế độ chăm sóc y tế với chi phí hợp lý và được tôn trọng" Công đoàn UAW của người lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất xe hơi cũng tham gia hoạt động biểu tình, khi nói rằng do kích cỡ khổng lồ của mình, Walmart đã có "quyền lực rất lớn với khả năng định ra một xu hướng không chỉ trong ngành công nghiệp bán lẻ và dịch vụ mà còn với cả nền kinh tế Mỹ". Robert Reich, Bộ trưởng Lao động dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cũng bày tỏ ý kiến đánh giá các điều kiện lao động ở Walmart đã phản ánh nhiều vấn đề sâu sắc hơn trong xã hội Mỹ. "Sự bất bình đẳng ngày càng tăng, phản ánh qua khoảng cách giữa thu nhập mà các lao động Walmart được nhận và lợi nhuận họ mang lại cho các nhà đầu tư của Walmart, bao gồm gia đình Walton sở hữu chuỗi cửa hàng, đã ám ảnh nền kinh tế Mỹ - Reich viết. Walmart tuần trước đã đệ đơn lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình Black Friday. Hôm thứ Sáu, công ty đã giảm nhẹ ảnh hưởng của các cuộc biểu tình khi nói rằng chỉ có 26 vụ biểu tình xảy ra trong đêm thứ 5 và một số chúng không bao gồm bất kỳ "cộng tác viên nào của Walmart". Công ty cũng nói rằng họ đã tổ chức được "các sự kiện Black Friday tốt chưa từng thấy," bán được 1,8 triệu chiếc khăn tắm, 1,3 triệu chiếc TV và 1,3 triệu món đồ chơi chỉ trong mấy giờ đầu khi sự kiện diễn ra./.
Mỹ: Biểu tình phản đối Walmart trong thứ Sáu đen ảnh 1
Một nhà hoạt động trưng biểu ngữ chống Walmart (Nguồn: AFP)
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục