Biểu tình và đụng độ nghiêm trọng tại Bangladesh

Ngày 24/2, ngày thứ 3 liên tiếp, biểu tình và đụng độ diễn ra ở Bangladesh làm ít nhất 4 người chết khi cảnh sát buộc phải nổ súng tự vệ.
Ngày 24/2, ngày thứ ba liên tiếp, biểu tình và đụng độ nghiêm trọng tiếp diễn ở Bangladesh làm ít nhất bốn người thiệt mạng khi lực lượng cảnh sát buộc phải nổ súng tự vệ.

Khoảng 3.000 người biểu tình, trong đó có sinh viên từ các trường tôn giáo và những người ủng hộ đảng đối lập chính Dân tộc Chủ nghĩa Bangladesh (BNP), đã phong tỏa một tuyến đường cao tốc ở khu vực Singair thuộc quận trung tâm Manikganj tại vùng hành chính Dhaka.

Phó cảnh sát trưởng quận này, Mizanur Rahman cho biết người biểu tình đã dùng dao, gậy, gạch đá và súng tấn công cảnh sát khi cảnh sát cố dẹp các chướng ngại vật.
 
 Trước tình thế như vậy, cảnh sát buộc phải nổ súng để tự vệ và có ít nhất 40 người bị thương, trong đó có cả cảnh sát. Nguồn tin y tế cho biết đã có ít nhất bốn người biểu tình thiệt mạng vì trúng đạn.

Ngoài ra, 15 người khác bị thương trong một vụ đụng độ khác giữa cảnh sát, người ủng hộ đảng cầm quyền và người Hồi giáo ở quận Cox's Bazaar ở phía Đông Nam.

Bạo lực nổ ra tại Bangladesh sau khi 12 đảng Hồi giáo nhỏ, được ủng hộ bởi đảng Hồi giáo lớn nhất Jamaat-e-Islami và đảng BNP, đã kêu gọi đình công trên cả nước để phản đối việc cảnh sát đàn áp người Hồi giáo trong cuộc biểu tình rầm rộ ngày 22/2 khi hàng chục nghìn người Hồi giáo xuống đường yêu cầu phải tử hình các blogger mà họ cho rằng đã báng bổ đạo Hồi và Nhà tiên tri Mohammed.

Căng thẳng gia tăng kể từ khi xuất hiện những bài viết chống đạo Hồi được cho là của Ahmed Rajib Haider, blogger đã bị sát hại hồi tuần trước.

Thời gian gần đây, Haider cùng các blogger khác đã kêu gọi biểu tình đòi cấm đảng Jamaat-e-Islami hoạt động, đồng thời tử hình các thủ lĩnh đảng này vì những tội ác chiến tranh từ năm 1971.

Sau khi Haider bị sát hại, truyền thông xã hội Bangladesh tràn ngập những bài viết chế giễu đạo Hồi, dẫn tới những cuộc biểu tình của một số giáo sỹ và tổ chức Hồi giáo.

Chính phủ Bangladesh cảnh báo sẽ có những biện pháp cứng rắn với các đối tượng châm ngòi căng thẳng xã hội, đồng thời yêu cầu báo chí, blog không đăng tải những bài viết phỉ báng nhằm vào Nhà tiên tri Mohammed.

Giới chức nước này đã đóng cửa những blog chống đạo Hồi, đồng thời cũng cho cảnh sát bảo vệ một số blogger sau vụ Haider bị sát hại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục