Bình đẳng giới phải bắt đầu từ mỗi gia đình

“Các chị em của Nora” là cách tiếp cận mới, trực quan và sinh động để truyền tải thông điệp về bình đẳng giới ngay trong mỗi gia đình.
Việc tổ chức Tọa đàm “Các chị em của Nora” tại Hà Nội vào tháng 3/2009 được xem là một cách tiếp cận mới đối với việc nhận thức và tuyên truyền về bình đẳng giới ở Việt Nam. Tuy nhiên cũng có những ý kiến e ngại là cách tiếp cận này “mới quá” nên khó đạt hiệu quả tốt.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Xin Thứ trưởng cho một vài ý kiến đánh giá tổng quan về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam trong những năm gần đây?

 
Đảng và Nhà nước từ lâu đã rất quan tâm đến sự nghiệp bình đẳng giới, coi đó là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển của nước nhà. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và toàn dân, đến nay nhiều thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được. Song phải nói rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế những năm gần đây, đặc biệt là với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, lĩnh vực này đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hệ thống pháp lý về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện; bộ máy và đội ngũ cán bộ thực hiện bình đẳng giới đã được hình thành và ban đầu đã có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật không ngừng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức và đảm bảo bình đẳng trong đời sống của đất nước cũng như của cộng đồng dân cư.
 
Tuy nhiên, do Việt Nam là một nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo nên việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều thách thức, điển hình là tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới để nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
 
Việc tổ chức Tọa đàm “Các chị em của Nora” tại Hà Nội vào tháng 3 vừa qua được xem là một cách tiếp cận mới đối với việc nhận thức và tuyên truyền về bình đẳng giới ở Việt Nam. Tuy nhiên cũng có những ý kiến e ngại là cách tiếp cận này “mới quá” nên khó đạt hiệu quả tốt. Vậy xin Thứ trưởng cho biết tác động của Tọa đàm trên thực tế như thế nào?
 
Tọa đàm về “Các chị em của Nora” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức vào tháng 3 vừa qua là một sáng kiến hay, một cách tiếp cận mới mẻ và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Minh chứng cho nhận định này là sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các đại biểu tham dự từ các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu, giới nghệ sỹ và truyền thông tại Tọa đàm. Bên cạnh đó là những phản hồi tích cực mà chúng tôi nhận được sau khi sự kiện này diễn ra từ phía các đại biểu cũng như là rất nhiều khán, thính giả xem truyền hình và báo, đài trên cả nước.  

Có thể nói rằng, Tọa đàm "Các chị em của Nora" lần trước đã được tổ chức rất công phu và ấn tượng với việc sử dụng một tác phẩm nghệ thuật để khơi nguồn cảm hứng cho việc tranh luận về một vấn đề rất đỗi bình thường của cuộc sống. Nhờ vậy, những hình ảnh trực quan sinh động và những tư tưởng mà tác giả gửi gắm dễ đi vào lòng người hơn, khiến người ta nhớ lâu hơn và gợi mở nhiều vấn đề hơn trong tư duy phong phú của mỗi người.  

Tọa đàm đã chuyển đến chúng ta thông điệp: Để có được bình đẳng giới bền vững trong xã hội phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình. Thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để xây dựng một xã hội no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Những nội dung được trao đổi, thảo luận cũng gợi mở rất nhiều cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới ngày một tốt hơn ở Việt Nam.

Đại sứ quán Na Uy cũng rất hài lòng về những kết quả của Tọa đàm, vì vậy đã tích cực ủng hộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức 4 tọa đàm tương tự ở các tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk và Tiền Giang vào tháng 9 và tháng 10 tới đây.  

Sau những thành công bước đầu của Tọa đàm "Các chị em của Nora" tại Hà Nội và tới đây là hành trình "xuyên Việt" của Nora tại 4 tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Tiền Giang. Theo Thứ trưởng, chúng ta có nên tổ chức thường xuyên những cuộc tọa đàm về vấn đề bình đẳng giới ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước hay không?
 
Ở Việt Nam tuy đã đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, nhưng định kiến giới vẫn còn tồn tại, làm hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cần phải tiếp tục được đẩy mạnh.

Những cuộc tọa đàm tương tự như Tọa đàm “Các chị em của Nora” là rất cần thiết và phải thường xuyên được tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau với những quy mô và hình thức phù hợp, gắn với những vấn đề cấp thiết của cuộc sống, sao cho mỗi người dân đều được có cơ hội tiếp cận trực tiếp.

Tôi cho rằng đây là một trong những kênh quan trọng đưa đến chuyển biến tư duy, nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, góp phần thực thi hiệu quả luật pháp, chính sách trong thực tế cuộc sống./.


Nora là tên nhân vật chính trong vở kịch của nhà soạn kịch thiên tài người Na Uy H. Ipsen. Đây là vở kịch đặt ra vấn đề có tính chất “phản tỉnh” về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội.

Trong chuyến “xuyên Việt” từ 14/9 đến 7/10, các cuộc tọa đàm “Chị em nhà Nora” tại Huế và Đắk Lắk  sẽ tập trung vào quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, tại Lào Cai và Tiền Giang tập trung vào quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động-việc làm.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục