Bình Dương đầu tư gần 1.500 tỷ đồng thực hiện giao thông kết nối vùng

Đây là tuyến đường trọng điểm, trục chính mở ra động lực phát triển cho vùng này. Đồng thời, tuyến đường còn kết nối vùng, rút ngắn lộ trình đến sân bay Long Thành, cảng Thị Vải...
Bình Dương đầu tư gần 1.500 tỷ đồng thực hiện giao thông kết nối vùng ảnh 1Quang cảnh Lễ khởi công. (Ảnh: TTXVN phát)

Đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa kết nối huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã được mở rộng lên 6 làn xe để kết nối với khu công nghiệp và đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là công trình trọng điểm có vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng được khởi công xây dựng ngày 30/12.

Đường ĐT.746 là tuyến đường huyết mạch dẫn vào Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP3), kết nối đường tạo lực bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng và tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án được UBND tỉnh Bình Dương giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình giao thông cấp II có điểm đầu tại ngã ba xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối giao nhau với đường ĐT.747a tại ngã ba phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên.

[Bình Dương dành nguồn lực đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng]

Đường được nâng cấp, mở rộng 38m với 6 làn xe với phần đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có tốc độ thiết kế 80km/h cho các đoạn ngoài đô thị và tốc độ thiết kế 50-60km/h cho những đoạn qua đô thị.

Dự trên có vốn đầu tư hơn 1.492 tỷ đồng từ vốn ngân sách; trong đó, chi phí xây lắp 489 tỷ đồng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 866 tỷ đồng...

Bình Dương đầu tư gần 1.500 tỷ đồng thực hiện giao thông kết nối vùng ảnh 2Quang cảnh Lễ khởi công. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, trong ngày cuối năm 2022, việc kịp khởi công tuyến đường giao thông  đi qua huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên và Khu công nghiệp VSIP3 sẽ tạo điều kiện thuận lợi kết nối vào đường tạo lực của các huyện phía Bắc của tỉnh gốm Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là tuyến đường trọng điểm, trục chính mở ra động lực phát triển cho vùng này. Đồng thời, tuyến đường còn kết nối vùng, rút ngắn lộ trình đến sân bay Long Thành, cảng Thị Vải, cảng nước sâu Cái Mép, góp phần, phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư của địa phương.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo quy hoạch mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu lưu thông và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục