Bình Dương: Doanh nghiệp "chạy đua" bổ sung lao động mới

Gần 700 doanh nghiệp ở Bình Dương có nhu cầu tuyển mới khoảng 50.000 nhân công, với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Bình Dương: Doanh nghiệp "chạy đua" bổ sung lao động mới ảnh 1May hàng xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, gần 700 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động mới tuyển được khoảng 50.000 nhân công, mức lương tuyển dụng trung bình xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng.

Các doanh nghiệp hiện đang chạy đua bổ sung thêm lao động mới để phục vụ kế hoạch sản xuất trong năm 2015, nhưng nguồn lao động khó đáp ứng kịp nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng giới thiệu việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, các phiên giao dịch việc đầu năm đang xúc tiến mạnh và đã giải quyết trên 2.000 lao động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lao động này chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng tại Trung tâm giới thiệc việc làm tỉnh đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, tập trung các ngành nghề như may mặc, đồ gỗ, điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm và lĩnh vực bảo vệ...với số lượng gần 35.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhiều nhất là khối lao động phổ thông.

Ghi nhận tại các phiên giao dịch việc làm đầu năm, số lao động đến tìm việc làm có trình độ cao đẳng, đại học chiếm đại đa số. Nhưng doanh nghiệp chưa mặn mà nguồn lao động này, vì phần lớn chưa đáp ứng được kinh nghiệm và tay nghề. Trong khi đó, nhu cầu lao động phổ thông thì đang khan hiếm, khó tìm ngay tại chỗ.

Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương khảo sát tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, bởi các dự án vốn FDI tăng từng ngày vào Bình Dương. Trong đó, biến động lao động trong lĩnh vực may mặc, giày gia, điện tử và đồ gỗ có hiện tượng “nhảy việc” trong đội ngũ công nhân, gây xáo trộn thị trường lao động.

Ông Đỗ Tất Đạt, Phó Ban Chính sách Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, với cơ chế tăng lương như hiện nay đối với ng ười lao động đã qua làm việc lâu năm mà có ý định “nhảy việc” để tìm công việc mới sẽ gây thiệt thòi cho bản thân. Bởi doanh nghiệp ký hợp đồng mới thường áp dụng theo mức lương cơ bản theo vùng, cộng với phụ cấp mới, nên đối với những trường hợp “nhảy việc” thường không có lợi.

Trong khi những lao động ổn định lâu năm, tăng lương tính theo thang bảng lương tăng theo hàng năm sẽ ổn định mức thu nhập. Do đó, đừng nhìn doanh nghiệp tuyển nhiều mà người lao động "nhảy việc," gây xáo trộn cho thị trường, ảnh hưởng đến ổn định việc làm tại các khu công nghiệp.

Tính đến nay, Bình Dương có gần 2.300 doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư trên 20 tỷ USD và hơn 16.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước. Mỗi năm, nhu cầu doanh nghiệp tuyển dụng cộng thêm người lao động tự do nhập cư vào tỉnh khoảng xấp xỉ 100.000 người.

Do đó, Bình Dương là địa bàn có số lượng người nhập cư tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây, góp phần gia tăng áp lực về an sinh xã hội, nhất là nhà ở cho người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục