Bình Dương thu hút 815 triệu USD vốn FDI trong 5 tháng

Từ đầu năm đến nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục "chảy" mạnh vào Bình Dương, với số vốn cấp phép lên đến 815 triệu USD.
Bình Dương thu hút 815 triệu USD vốn FDI trong 5 tháng ảnh 1 Công nhân làm việc tại khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục "chảy" mạnh vào địa phương với số vốn cấp phép lên đến 815 triệu USD.

Riêng trong tháng 5, vốn FDI cấp phép đạt trên 65 triệu USD, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn lạc quan với môi trường đầu tư của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tính đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực kinh doanh tại Bình Dương là 2.255 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 20 tỷ USD.

Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết trong tháng 5 tuy gặp nhiều khó khăn chung, nhưng tỉnh vẫn thu hút mạnh vốn FDI, trong đó số vốn đầu tư vào các khu công nghiệp đạt hơn 43 triệu USD và ngoài khu công nghiệp là 21 triệu USD.

Trong số các dự án đầu tư, Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao, kế đến là Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Đặc biệt, có rất nhiều dự án vốn đầu tư của Trung Quốc cũng vừa cấp phép mới.

Riêng 8 dự án được cấp phép mới nằm ngoài khu công nghiệp, có đến 3 dự án vốn đầu tư của Trung Quốc; trong đó, một số dự án lớn đều tập trung vào ngành sản xuất đồ gỗ.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, ngoài 8 dự án được cấp phép mới, tỉnh cũng đã cấp chủ trương cho 7 dự án khác và 6 dự án đang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh. Trong số các dự án đang chờ cấp phép đầu tư mới, có 5 dự án vốn đầu tư của Trung Quốc. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương: phần lớn vốn đầu tư của Trung Quốc chỉ ở mức trung bình thấp dưới 10 triệu USD.

Theo đánh giá của các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trước vấn đề khó khăn chung của nền kinh tế, dòng vốn FDI vẫn “chảy mạnh” vào tỉnh đã chứng tỏ môi trường đầu tư ở Bình Dương đã được khẳng định với tiềm năng và cơ hội, nhất là việc Bình Dương hình hành chuỗi các khu công nghiệp có mặt bằng tiện ích cho các nhà đầu tư.

Cùng với đó, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang dịch chuyển đầu tư để đón đầu các hiệp định TPP. Đáng chú ý, các dự án trong các lĩnh vực như đồ gỗ, dệt may dự báo có sự dịch chuyển mạnh đầu tư vào thời gian tới, bởi hiện nay hàng loạt dự án FDI đang “xếp hàng” để được cấp chủ trương đầu tư.

Đồng tình với nhận định trên, ông Hàng Vay Chi, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương 1 và 2 cho biết, ông đã kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hơn 15 năm nay và đã thu hút khoảng 80% số dự án là của Đài Loan và Trung Quốc vào khu công nghiệp.

Theo ông Chi, mặc dù Bình Dương đã xảy ra vụ gây rối vừa qua tại các doanh nghiệp, nhưng những ngày qua khu công nghiệp vẫn đón nhận sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu đến từ Đài Loan và Trung Quốc.

Theo ông Chi, phần lớn các nhà đầu tư đánh giá rất cao môi trường đầu tư của tỉnh với lợi thế mặt bằng sẵn có, cộng thêm lực lượng lao động dồi dào nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn về cơ hội hợp mới tại Bình Dương.

Ông Chi cũng khẳng định vụ lộn xộn vừa qua tại các khu công nghiệp, các nhà đầu tư đều tỏ ra tiếc nuối, nhưng tất cả đều tin tưởng về môi trường đầu tư tỉnh Bình Dương sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng và phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó, trước những động thái tháo gỡ khó khăn tích cực của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong những ngày qua, tình hình các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng đi vào sản xuất sớm ổn định việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Theo đại diện Công ty xe đạp Asama, được sự hỗ trợ tích cực của chủ đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần tạo điều kiện cho mượn 18.000m2 nhà xưởng đơn vị đã bắt tay vào sản xuất ngay.

“Chúng tôi không được chậm trễ trong sản xuất, bởi nếu không đáp ứng đủ đơn hàng xuất khẩu Asama sẽ còn gặp khó khăn hơn, bởi các hợp đồng kinh tế đã ký kết, nên chúng tôi không thể để mất cơ hội,” vị đại diện này nói.

Cũng gặp khó khăn vừa qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Chutex 100% vốn đầu tư Singapore (tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Dĩ An, Bình Dương) chuyên may mặc cũng đã mở cửa đón hơn 6.000 công nhân vào nhà máy.

Ông Nguyễn Trường Thi, Giám đốc Nhân sự và Trách nhiệm xã hội Công ty Chutex, cho biết:, lãnh đạo doanh nghiệp rất tin tưởng và đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương và mong muốn được tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong thời gian sắp tới.

Sau 13 năm hoạt động, chưa bao giờ Chutex nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội của công nhân nên dù có xảy ra sự cố vừa rồi, doanh nghiệp vẫn cam kết thực hiện đầy đủ các đãi ngộ rất xứng đáng với công sức của người lao động.

Ông Thi cho biết sau sự cố vừa qua, công nhân trở lại nhà máy với tinh thần cao, họ gắn kết hơn với phân xưởng và trách nhiệm cao trong sản xuất. Chính vì vậy, Ban giám đốc đang quyết định đẩy mạnh sản xuất để tăng năng lực xuất khẩu các đơn hàng trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, tăng năng lực xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bình Dương luôn xem doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước đều là nhà đầu tư đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Bình Dương. Do đó, tỉnh luôn nỗ lực tối đa để doanh nghiệp đạt thuận lợi nhất trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục