Bình Phước cần phát huy lợi thế đất rừng để phát triển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Bình Phước phát huy lợi thế đất rừng để phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước, ngày 10/8, tại thị xã Đồng Xoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Bình Phước cần phát huy lợi thế đất rừng, trong đó đất đỏ bazan chiếm gần 1/2 diện tích để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh cũng cần phát huy lợi thế có trữ lượng đá vôi lớn để phát triển công nghiệp ximăng.

Đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bình Phước trong những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những thành tựu mà Bình Phước đã đạt được là kết quả đáng trân trọng.

Kinh tế Bình Phước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tốc tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, giá trị sản xuất trên một diện tích đất nông nghiệp còn thấp, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng lao động thấp...

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Phước phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém đưa tỉnh nhà phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và an sinh xã hội.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2010 với thu nhập đạt trên 1.000 USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển...

Gắn với đó, Bình Phước tập trung tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp với quyết tâm cao nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển nhanh và bền vững.

Theo Thủ tướng, Bình Phước là tỉnh có diện tích đất rộng, tốt thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp và trồng cây công nghiệp cộng với hệ thống giao thông thông suốt, đường quốc lộ 13 đi Thành phố Hồ Chí Minh khá thuận tiện, đường quốc lộ 14 liên thông với các tỉnh Tây Nguyên... là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư.

Do vậy, Bình Phước cần thúc đẩy kêu gọi đầu tư lấp đầy 8 khu công nghiệp, trong đó chú trọng những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, song song với đó là phát triển đồng bộ đô thị . Bình Phước cũng cần tập trung xây dựng cụm ximăng, đẩy nhanh diện tích cao su có năng suất cao, cây ăn quả, trồng rừng (cây keo) gắn với chế biến gỗ.

Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch đặt trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, trước mắt tỉnh cập nhật lại quy hoạch giao thông, công nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và chăm lo đào tạo nguồn nhân lực để chuyển nhanh lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trong đoàn công tác của Chính phủ đều cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do mới tái lập tỉnh (1/1/1997) nhưng Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội như nông nghiệp tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,1%, trong đó diện tích cao su tăng 1,5 lần so với năm 2005 đạt sản lượng 187,5 nghìn tấn, diện tích điều tăng 1,4 lần đạt sản lượng trên 130.000 tấn, cây tiêu đạt sản lượng trên 30.000 tấn, càphê đạt gần 12.000 tấn...

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân là 21%, quy hoạch 8 khu công nghiệp với diện tích trên 5.200ha và hệ thống hạ tầng giao thông và điện được triển khai đồng bộ.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến liên quan đến các kiến nghị của tỉnh về việc bổ sung quy hoạch khu liên hợp công nghiệp-dân cư-dịch vụ Đồng Phú (10.000ha) và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nâng cấp quốc lộ 13, 14, lưới điện nông thôn và các công trình văn hóa./.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục