Bình Thuận tập trung phát huy thế mạnh kinh tế biển

Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận cần tận dụng phát triển thế mạnh về kinh tế biển, trở thành một tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Sáng 19/4, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 37 năm giải phóng quê hương và 20 năm tái lập tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự.

Ông Huỳnh Văn Tí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của quân và dân Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và những thành tựu 20 năm đổi mới và phát triển của tỉnh.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đạt được thời gian qua.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, chung lòng, chủ động sáng tạo để vươn lên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để phát triển đồng bộ, bền vững nền kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh để tạo sức cạnh tranh. Trước hết, tỉnh cần tận dụng phát triển thế mạnh về kinh tế biển và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển, khai thác tốt lợi thế biển để trở thành một tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phát triển du lịch phải mang tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để có sức cạnh tranh trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

Là một trong những tỉnh được đánh giá giàu tiềm năng về điện gió, Bình Thuận cần có những biện pháp tích cực, đồng bộ, có hiệu quả để nhanh chóng đưa tỉnh nhà trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch và trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

20 năm qua, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân tăng hàng năm 12,3%. Tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế từ 9,5% tăng lên 20% vào năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nhóm ngành nông-lâm-thủy sản đến nay giảm xuống còn 20,1%; công nghiệp-xây dựng tăng 34,2%; dịch vụ tăng 45,7%. So với lúc mới tái lập tỉnh, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 17 lần; công nghiệp-xây dựng tăng 17 lần và dịch vụ tăng 114 lần; thu ngân sách tăng hơn 55 lần…

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Bình Thuận đã chuyển dịch nhanh nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 80% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Bình Thuận khẳng định được vị thế mới ở vùng Nam Trung bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã dự lễ khánh thành Nhà máy phong điện 1 (huyện Tuy Phong) và viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh./.

Tấn Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục