Sakurajima, ngọn núi lửa đang hoạt động bên bờ vịnh Kagoshima xinh đẹp thuộc tỉnh Kagoshima là một trong những nơi để lại nhiều ấn tượng với tôi trong chuyến công tác tại Nhật Bản.
“Nếu như Tokyo là Hà Nội; thương cảng Osaka phồn hoa giống Sài Gòn; cố đô Kyoto thâm trầm, cổ kính như Huế thì Kagoshima giống như tỉnh Phú Yên của Việt Nam vậy” - Hà Thanh Tùng, một cựu nghiên cứu sinh từng sống bảy năm ở Nhật Bản và cũng là người giúp đỡ chúng tôi trong những ngày công tác ở đất nước này, cho tôi một hình dung như vậy về những thành phố tôi đã qua trên đất Nhật trong chuyến đi.
Và dẫu Tokyo náo nhiệt, Osaka sầm uất hay Kyoto nườm nượp khách du lịch trong mùa lá phong đỏ; dẫu đường phố luôn ngược xuôi tàu xe và hối hả những dòng người đi bộ; dẫu không có những biển hiệu bằng tiếng Anh hay không dễ tìm được người nói tiếng Anh để có thể hỏi thăm khi cần thiết, tôi vẫn luôn cảm thấy gần gũi và bình yên với đất nước này. Đặc biệt là với Kagoshima - thành phố nằm ở mũi Tây Nam của đảo Kyushu Nhật Bản thường được ví là “Napoli của phương Đông” với biểu tượng là ngọn núi lửa Sakurajima.
Ngày đầu đến Kagoshima, từ ban công phòng nghỉ của khách sạn, nhìn thấy đám khói trắng khổng lồ trên đỉnh ngọn núi phía xa, tôi thốt lên: “Đám mây lạ quá!” Tùng cười: “Không phải mây đâu, khói của núi lửa đấy!”
Tôi cười, chưa tin những gì Tùng nói vì trong hành trình đến đây, Tùng đã rất nhiều lần đùa khi giải thích cho tôi về những gì tôi chưa biết ở nước Nhật. Ngay cả khi Tùng nói rằng trong chương trình sẽ có một ngày đi thăm núi lửa, tôi vẫn nghĩ đó là một câu nói đùa.
Một ngày nghỉ sau những chuỗi ngày công tác tại đây, chúng tôi được đi thăm núi lửa thật. Nghe nói tới núi lửa thì có vẻ hiểm nguy chứ thực ra loại hình du lịch tham quan các vùng núi lửa khá phổ biến ở Nhật Bản, và ở đất nước này việc sống gần một ngọn núi lửa đang hoạt động là điều hết sức bình thường vì đây vốn là đất nước có địa hình chủ yếu là đồi núi, trong đó phần lớn là núi có nguồn gốc núi lửa.
Kagoshima có một dãy núi lửa động và tĩnh, trong đó Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa lớn và “quậy” nhất Nhật Bản. Núi nằm trải qua cả vịnh Kagoshima, đối diện với thành phố Kagoshima, nên ở bất cứ đâu xung quanh bờ vịnh này cũng có thể nhìn thấy ngọn núi sừng sững ngày đêm cuồn cuộn khói trắng.
Nhìn thấy ngọn núi trước mặt nhưng cũng phải mất gần một giờ chạy xe lòng vòng chúng tôi mới đến được chân núi. Xung quanh miệng núi lửa toàn đá nham thạch và không có sự xuất hiện của thực vật.
Quả thật thú vị khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh ngọn núi lửa hùng vĩ cuồn cuộn khói, được cảm nhận hơi nóng bốc lên từ miệng núi và tro bụi bay tạt vào mặt, được ngắm nhìn những gì còn sót lại của những đợt phun trào trong quá khứ.
Khu vực xung quanh núi lửa Sakurajima, người dân vẫn sinh sống và làm việc bình thường. Anh Imai Kenichi - người điều khiến con tàu đưa chúng tôi ra vịnh Kagoshima - cho biết, người dân quanh khu vực này sẽ rất an tâm nếu Sakurajima vẫn nhả khói hàng ngày, còn nếu 2-3 ngày không thấy Sakurajima phun khói, mọi người sẽ... chạy.
Và kế hoạch sơ tán mà Imai Kenichi nói là “chạy” đó đã được chính quyền Kagoshima chuẩn bị rất chu đáo, từ việc thông tin về “tình trạng sức khỏe” của Sakurajima hàng ngày giống như thông tin về dự báo thời tiết, đến việc chuẩn bị cầu, phà, phương tiện...
Xung quanh núi lửa Sakurajima, một hệ thống kênh dẫn cũng được xây dựng kiên cố và công phu để nếu dung nham từ núi lửa này phun trào sẽ theo các đường dẫn này chảy thẳng ra biển. Tôi hiểu, vì sao vốn là một dân tộc có tính cẩn trọng cao, người Nhật vẫn bình an sống bên những ngọn núi lửa.
Ở Kagoshima, nông nghiệp và thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên 2.630km bờ biển (bao gồm cả 28 đảo) và vịnh Kagoshima được kẹp bởi hai bán đảo Satsuma và Osumi được xem là một thế mạnh để phát triển thủy sản của Kagoshima. Đây là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ đứng thứ hai ở Nhật Bản và cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất cá chình.
Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Ushime, nơi chúng tôi đến thăm, được thành lập năm 1965 và hiện có 360 ngư dân tham gia. Với trên 650 lồng chuyên nuôi các loại cá đặc sản, mỗi năm hợp tác xã này thu hoạch khoảng 70.000 tấn cá. Toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu sản xuất thức ăn, cho ăn, phân loại, thu hoạch cá đều được cơ giới hóa.
Hợp tác xã còn có một khu nhà hàng nổi tiếng ở thị trấn, chuyên chế biến các món ăn từ chính các sản phẩm được ngư dân của hợp tác xã này sản xuất.
Do tập quán ẩm thực nên nhu cầu tiêu thụ cá và các hải sản của Nhật Bản rất lớn. Nhật Bản cũng là quốc gia có nền kinh tế ngư nghiệp đứng thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng như các quốc gia có ngành thủy sản phát triển khác đều phải đối mặt tình trạng cạn kiệt nguồn lợi ven biển và xa bờ.
Để bù đắp sản lượng thiếu hụt, Nhật Bản đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản với trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, đồng thời tăng cường nhập khẩu, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản.
Ngoài thủy sản, Kagoshima còn có thế mạnh về nông nghiệp. Dung nham trong những vụ phun trào của núi lửa từ quá khứ để lại cho nơi này đất đai màu mỡ để gieo trồng nên rất nhiều loại rau quả, hoa trái đặc sản, trong đó củ cải Daikon - một loại củ cải dạng tròn, là một trong những đặc sản nổi tiếng khắp Nhật Bản với kích cỡ kỷ lục.
Củ cải và hải sản là những món không thể thiếu trong bữa ăn của người Nhật mỗi ngày. Cũng vì thế, nhắc đến Kagoshima, người Nhật sẽ nhớ đến những củ cải Daikon to bằng quả bóng đá, đến một loại lươn khổng lồ chỉ có ở vịnh Kagoshima và rất nhiều loại cá thường chỉ được cung cấp cho những nhà hàng cao cấp ở các thành phố lớn.
Rất nhiều bãi biển xung quanh vịnh Kagoshima phủ đầy đá bọt rỗ. Ảnh hưởng từ ngọn núi lửa làm tầng cát dưới sâu, nước ngầm và nước biển của khu vực này luôn ấm nóng.
Thị trấn suối khóang Ibusuki là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng với dịch vụ tắm cát nóng. Mặc một bộ kimono mềm mại, nằm dài dưới tán chiếc ô xinh xắn trên bãi biển để nhân viên phục vụ dùng những chiếc xẻng nhỏ xúc cát nóng phủ lên người, tận hưởng hơi nóng từ cát thấm vào người và ngắm nhìn núi lửa Sakurajima phía xa xa đang phun khói là một cách thư giãn thú vị không thể bỏ qua khi đặt chân tới đây.
Sau hành trình khám phá núi lửa Sakurajima hùng vĩ, lênh đênh trên vịnh Kagoshima trong xanh rợp bóng hải âu và thăm những làng nổi trên vịnh, chúng tôi quay về thị trấn Ijuin thăm nhà ông bà Myoshi - một gia đình có rất nhiều gắn bó với những du học sinh Việt Nam đã từng học tập và làm việc ở Kagoshima.
Bất cứ du học sinh nào ở trường Đại học Kagoshima cũng biết đôi vợ chồng này vì từ rất nhiều năm nay họ thường xuyên qua lại, giúp đỡ những du học sinh Việt Nam hoặc cho “home stay” nếu có nhu cầu về chỗ ở. Với tình cảm đặc biệt, hai vợ chồng này đã tới thăm Việt Nam bốn lần.
Ông Myoshi vốn là một phóng viên truyền hình, còn bà Myoshi là giáo viên. Sau khi nghỉ hưu, cả hai ông bà rời thành phố về thị trấn này sinh sống. Ông Myoshi vô cùng tự hào về ngôi nhà “đắc địa” có tầm nhìn thẳng ra ngọn núi Sakurajima, còn bà Myoshi thì tự hào với nông trang 3ha trồng các loại rau, quả xanh tốt quanh năm.
Khu nhà của ông bà Myoshi mang phong cách kiến trúc cổ của nông thôn Nhật Bản, vừa là nơi ở, vừa là quán ăn, quán càphê, vừa có những phòng nghỉ dành cho bạn bè hay khách du lịch muốn đến đây hưởng cuộc sống điền viên thực sự.
Bà Myoshi bảo, không chỉ khách du lịch phương Tây, mà cả những người Nhật sống ở thành phố cũng rất thích về đây vào mỗi dịp cuối tuần để được ở trong những căn nhà gỗ, để tự tay hái rau, nhổ củ cải hay nhặt trứng gà trong nông trại tự chế biến món ăn.
Không có nhiều thời gian để làm một “nông dân Nhật Bản,” bà Myoshi cho tôi hưởng thụ một niềm vui khác. Pha cho tôi một ly càphê vào một trong những chiếc cốc của bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng mà bà cất công mang về sau những lần sang thăm Việt Nam, đặt trên chiếc bàn gỗ dưới gốc cây anh đào giữa sân, Myoshi bảo tôi hãy uống càphê và nhìn ra khung cảnh trước mặt.
Trời trong vắt, nắng vàng lóng lánh dưới thảm lá phong đỏ trải đầy dưới sân, hương càphê nồng ấm trong một buổi sớm đầu Đông, tôi ngồi ngả lưng trên chiếc ghế gỗ mộc mạc, đắm mình vào khung cảnh mà tôi chắc chỉ một lần trong đời mình được nhìn ngắm và cảm nhận. Khói từ miệng núi lửa Sakurajima vẫn cuồn cuộn phun lên và tan vào bầu trời Kagoshima trong xanh. Một cảm giác bình yên.../.
“Nếu như Tokyo là Hà Nội; thương cảng Osaka phồn hoa giống Sài Gòn; cố đô Kyoto thâm trầm, cổ kính như Huế thì Kagoshima giống như tỉnh Phú Yên của Việt Nam vậy” - Hà Thanh Tùng, một cựu nghiên cứu sinh từng sống bảy năm ở Nhật Bản và cũng là người giúp đỡ chúng tôi trong những ngày công tác ở đất nước này, cho tôi một hình dung như vậy về những thành phố tôi đã qua trên đất Nhật trong chuyến đi.
Và dẫu Tokyo náo nhiệt, Osaka sầm uất hay Kyoto nườm nượp khách du lịch trong mùa lá phong đỏ; dẫu đường phố luôn ngược xuôi tàu xe và hối hả những dòng người đi bộ; dẫu không có những biển hiệu bằng tiếng Anh hay không dễ tìm được người nói tiếng Anh để có thể hỏi thăm khi cần thiết, tôi vẫn luôn cảm thấy gần gũi và bình yên với đất nước này. Đặc biệt là với Kagoshima - thành phố nằm ở mũi Tây Nam của đảo Kyushu Nhật Bản thường được ví là “Napoli của phương Đông” với biểu tượng là ngọn núi lửa Sakurajima.
Ngày đầu đến Kagoshima, từ ban công phòng nghỉ của khách sạn, nhìn thấy đám khói trắng khổng lồ trên đỉnh ngọn núi phía xa, tôi thốt lên: “Đám mây lạ quá!” Tùng cười: “Không phải mây đâu, khói của núi lửa đấy!”
Tôi cười, chưa tin những gì Tùng nói vì trong hành trình đến đây, Tùng đã rất nhiều lần đùa khi giải thích cho tôi về những gì tôi chưa biết ở nước Nhật. Ngay cả khi Tùng nói rằng trong chương trình sẽ có một ngày đi thăm núi lửa, tôi vẫn nghĩ đó là một câu nói đùa.
Một ngày nghỉ sau những chuỗi ngày công tác tại đây, chúng tôi được đi thăm núi lửa thật. Nghe nói tới núi lửa thì có vẻ hiểm nguy chứ thực ra loại hình du lịch tham quan các vùng núi lửa khá phổ biến ở Nhật Bản, và ở đất nước này việc sống gần một ngọn núi lửa đang hoạt động là điều hết sức bình thường vì đây vốn là đất nước có địa hình chủ yếu là đồi núi, trong đó phần lớn là núi có nguồn gốc núi lửa.
Kagoshima có một dãy núi lửa động và tĩnh, trong đó Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa lớn và “quậy” nhất Nhật Bản. Núi nằm trải qua cả vịnh Kagoshima, đối diện với thành phố Kagoshima, nên ở bất cứ đâu xung quanh bờ vịnh này cũng có thể nhìn thấy ngọn núi sừng sững ngày đêm cuồn cuộn khói trắng.
Nhìn thấy ngọn núi trước mặt nhưng cũng phải mất gần một giờ chạy xe lòng vòng chúng tôi mới đến được chân núi. Xung quanh miệng núi lửa toàn đá nham thạch và không có sự xuất hiện của thực vật.
Quả thật thú vị khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh ngọn núi lửa hùng vĩ cuồn cuộn khói, được cảm nhận hơi nóng bốc lên từ miệng núi và tro bụi bay tạt vào mặt, được ngắm nhìn những gì còn sót lại của những đợt phun trào trong quá khứ.
Khu vực xung quanh núi lửa Sakurajima, người dân vẫn sinh sống và làm việc bình thường. Anh Imai Kenichi - người điều khiến con tàu đưa chúng tôi ra vịnh Kagoshima - cho biết, người dân quanh khu vực này sẽ rất an tâm nếu Sakurajima vẫn nhả khói hàng ngày, còn nếu 2-3 ngày không thấy Sakurajima phun khói, mọi người sẽ... chạy.
Và kế hoạch sơ tán mà Imai Kenichi nói là “chạy” đó đã được chính quyền Kagoshima chuẩn bị rất chu đáo, từ việc thông tin về “tình trạng sức khỏe” của Sakurajima hàng ngày giống như thông tin về dự báo thời tiết, đến việc chuẩn bị cầu, phà, phương tiện...
Xung quanh núi lửa Sakurajima, một hệ thống kênh dẫn cũng được xây dựng kiên cố và công phu để nếu dung nham từ núi lửa này phun trào sẽ theo các đường dẫn này chảy thẳng ra biển. Tôi hiểu, vì sao vốn là một dân tộc có tính cẩn trọng cao, người Nhật vẫn bình an sống bên những ngọn núi lửa.
Ở Kagoshima, nông nghiệp và thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên 2.630km bờ biển (bao gồm cả 28 đảo) và vịnh Kagoshima được kẹp bởi hai bán đảo Satsuma và Osumi được xem là một thế mạnh để phát triển thủy sản của Kagoshima. Đây là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ đứng thứ hai ở Nhật Bản và cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất cá chình.
Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Ushime, nơi chúng tôi đến thăm, được thành lập năm 1965 và hiện có 360 ngư dân tham gia. Với trên 650 lồng chuyên nuôi các loại cá đặc sản, mỗi năm hợp tác xã này thu hoạch khoảng 70.000 tấn cá. Toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu sản xuất thức ăn, cho ăn, phân loại, thu hoạch cá đều được cơ giới hóa.
Hợp tác xã còn có một khu nhà hàng nổi tiếng ở thị trấn, chuyên chế biến các món ăn từ chính các sản phẩm được ngư dân của hợp tác xã này sản xuất.
Do tập quán ẩm thực nên nhu cầu tiêu thụ cá và các hải sản của Nhật Bản rất lớn. Nhật Bản cũng là quốc gia có nền kinh tế ngư nghiệp đứng thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng như các quốc gia có ngành thủy sản phát triển khác đều phải đối mặt tình trạng cạn kiệt nguồn lợi ven biển và xa bờ.
Để bù đắp sản lượng thiếu hụt, Nhật Bản đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản với trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, đồng thời tăng cường nhập khẩu, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản.
Ngoài thủy sản, Kagoshima còn có thế mạnh về nông nghiệp. Dung nham trong những vụ phun trào của núi lửa từ quá khứ để lại cho nơi này đất đai màu mỡ để gieo trồng nên rất nhiều loại rau quả, hoa trái đặc sản, trong đó củ cải Daikon - một loại củ cải dạng tròn, là một trong những đặc sản nổi tiếng khắp Nhật Bản với kích cỡ kỷ lục.
Củ cải và hải sản là những món không thể thiếu trong bữa ăn của người Nhật mỗi ngày. Cũng vì thế, nhắc đến Kagoshima, người Nhật sẽ nhớ đến những củ cải Daikon to bằng quả bóng đá, đến một loại lươn khổng lồ chỉ có ở vịnh Kagoshima và rất nhiều loại cá thường chỉ được cung cấp cho những nhà hàng cao cấp ở các thành phố lớn.
Rất nhiều bãi biển xung quanh vịnh Kagoshima phủ đầy đá bọt rỗ. Ảnh hưởng từ ngọn núi lửa làm tầng cát dưới sâu, nước ngầm và nước biển của khu vực này luôn ấm nóng.
Thị trấn suối khóang Ibusuki là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng với dịch vụ tắm cát nóng. Mặc một bộ kimono mềm mại, nằm dài dưới tán chiếc ô xinh xắn trên bãi biển để nhân viên phục vụ dùng những chiếc xẻng nhỏ xúc cát nóng phủ lên người, tận hưởng hơi nóng từ cát thấm vào người và ngắm nhìn núi lửa Sakurajima phía xa xa đang phun khói là một cách thư giãn thú vị không thể bỏ qua khi đặt chân tới đây.
Sau hành trình khám phá núi lửa Sakurajima hùng vĩ, lênh đênh trên vịnh Kagoshima trong xanh rợp bóng hải âu và thăm những làng nổi trên vịnh, chúng tôi quay về thị trấn Ijuin thăm nhà ông bà Myoshi - một gia đình có rất nhiều gắn bó với những du học sinh Việt Nam đã từng học tập và làm việc ở Kagoshima.
Bất cứ du học sinh nào ở trường Đại học Kagoshima cũng biết đôi vợ chồng này vì từ rất nhiều năm nay họ thường xuyên qua lại, giúp đỡ những du học sinh Việt Nam hoặc cho “home stay” nếu có nhu cầu về chỗ ở. Với tình cảm đặc biệt, hai vợ chồng này đã tới thăm Việt Nam bốn lần.
Ông Myoshi vốn là một phóng viên truyền hình, còn bà Myoshi là giáo viên. Sau khi nghỉ hưu, cả hai ông bà rời thành phố về thị trấn này sinh sống. Ông Myoshi vô cùng tự hào về ngôi nhà “đắc địa” có tầm nhìn thẳng ra ngọn núi Sakurajima, còn bà Myoshi thì tự hào với nông trang 3ha trồng các loại rau, quả xanh tốt quanh năm.
Khu nhà của ông bà Myoshi mang phong cách kiến trúc cổ của nông thôn Nhật Bản, vừa là nơi ở, vừa là quán ăn, quán càphê, vừa có những phòng nghỉ dành cho bạn bè hay khách du lịch muốn đến đây hưởng cuộc sống điền viên thực sự.
Bà Myoshi bảo, không chỉ khách du lịch phương Tây, mà cả những người Nhật sống ở thành phố cũng rất thích về đây vào mỗi dịp cuối tuần để được ở trong những căn nhà gỗ, để tự tay hái rau, nhổ củ cải hay nhặt trứng gà trong nông trại tự chế biến món ăn.
Không có nhiều thời gian để làm một “nông dân Nhật Bản,” bà Myoshi cho tôi hưởng thụ một niềm vui khác. Pha cho tôi một ly càphê vào một trong những chiếc cốc của bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng mà bà cất công mang về sau những lần sang thăm Việt Nam, đặt trên chiếc bàn gỗ dưới gốc cây anh đào giữa sân, Myoshi bảo tôi hãy uống càphê và nhìn ra khung cảnh trước mặt.
Trời trong vắt, nắng vàng lóng lánh dưới thảm lá phong đỏ trải đầy dưới sân, hương càphê nồng ấm trong một buổi sớm đầu Đông, tôi ngồi ngả lưng trên chiếc ghế gỗ mộc mạc, đắm mình vào khung cảnh mà tôi chắc chỉ một lần trong đời mình được nhìn ngắm và cảm nhận. Khói từ miệng núi lửa Sakurajima vẫn cuồn cuộn phun lên và tan vào bầu trời Kagoshima trong xanh. Một cảm giác bình yên.../.
Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)