BioNTech thảo luận với các đối tác để tăng năng lực sản xuất vắcxin

CEO BioNTech cho biết công ty đang tìm kiếm các đối tác có thể sản xuất vắcxin BioNTech/Pfizer vì hiện không có nhiều công ty có năng lực sản xuất vắcxin phòng COVID-19 đạt chất lượng theo yêu cầu.
BioNTech thảo luận với các đối tác để tăng năng lực sản xuất vắcxin ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang làm việc với đối tác của Mỹ Pfizer để đẩy mạnh việc sản xuất vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong bài phỏng vấn với tạp chí Tấm gương (Spiegel) ngày 1/1, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) BioNTech, ông Ugur Sahin cho rằng hiện tình hình chung của vắcxin không được dồi dào, bởi có "những khoảng trống" nhất định vì chưa có vắcxin nào khác được đăng ký lưu hành và BioNTech/Pfizer phải cung cấp bằng vắcxin của mình.

Theo ông Sahin, đó là lý do BioNTech và Pfizer đang nghiên cứu khả năng đẩy mạnh thêm năng lực sản xuất và câu trả lời cụ thể sẽ được đưa ra vào cuối tháng 1 này.

Ông cũng nói thêm rằng công ty đang tìm kiếm các đối tác có thể sản xuất vắcxin BioNTech/Pfizer, đồng thời nói thêm rằng không có nhiều công ty có năng lực sản xuất vắcxin đạt chất lượng theo yêu cầu.

[BioNTech cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắcxin COVID-19]

CEO của BioNTech nói: "Chúng tôi đang làm mọi thứ để có thể sản xuất nhiều vắcxin hơn, bao gồm cả ở Đức. Dây chuyền sản xuất mới của chúng tôi ở Marburg có lẽ sẵn sàng vận hành vào tháng 2, sớm hơn nhiều so với kế hoạch và có thể sản xuất 250 triệu liều vắcxin trong 6 tháng đầu tiên."

Theo BioNTech, hiện có 5 nhà công ty châu Âu đang sản xuất vắcxin của công ty này và BioNTech đang đàm phán với các nhà sản xuất tiềm năng để sản xuất các chế phẩm vắcxin.

Trong tuần trước, EU đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắcxin BioNTech/Pfizer trên toàn EU. Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), cho đến trưa ngày 1/1, Đức đã tiêm chủng mũi đầu tiên trong tổng số 2 mũi tiêm phòng cho trên 165.500 người dân ở nước này, trong đó có trên 71.500 người ở các viện dưỡng lão và gần 40.000 người trên 80 tuổi. Chính phủ Đức kỳ vọng tới đầu tháng 2 có thể hoàn tất việc tiêm 2,68 triệu liều cho người dân.

Về tình hình dịch bệnh ở Đức, trong 24 giờ qua, nước Đức tiếp tục ghi nhận có thêm trên 18.600 ca nhiễm mới, 400 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở Đức lên 1,75 triệu ca và gần 34.000 ca tử vong. Hiện số người thực tế đang nhiễm bệnh là 356.700 ca, trong đó có 5.600 ca nặng phải điều trị tích cực và trên 3.100 ca phải sử dụng máy trợ thở.

Trước tình hình số ca lây nhiễm vẫn ở mức cao, một cuộc thăm dò của kênh NTV cho biết có trên 90% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ việc tiếp tục gia hạn các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang được áp dụng hiện nay.

Dự kiến vào ngày 5/1 tới, Chính phủ Đức sẽ thảo luận trực tuyến với các bang về khả năng tiếp tục gia hạn các biện pháp phong tỏa sau ngày 10/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục