Bkis và tham vọng

Bkis và tham vọng leo lên vai "người khổng lồ"

"Để bước ra toàn cầu Bkis cần phải leo lên vai người khổng lồ. Mỹ chính là người khổng lồ trong tầm ngắm của chúng tôi".
“Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Tử Quảng tóm gọn chặng đường 8 năm của Trung tâm Phần mềm và Giải pháp An ninh mạng (Bkis) bằng hai từ “bền bỉ”, cùng niềm tin sắt đá và trí tuệ Việt Nam và tham vọng xây dựng Bkis thành một “lò đào tạo hiệp sĩ”.

Leo lên vai người khổng lồ

Một cách ngắn gọn nhất, ông muốn nói gì về 8 năm khởi xướng và lãnh đạo Bkis với vai trò là giám đốc, cùng hoạt động của trung tâm này?

Nguyễn Tử Quảng: Bền bỉ, đó là cách diễn đạt đúng nhất.

Sự bền bỉ đó đã đưa Bkis tới đâu?

Nguyễn Tử Quảng: Sau 4 năm kể từ khi thành lập từ cơ sở vật chất eo hẹp và số lượng nhân sự khiêm tốn, Bkis đã có thể cân đối thu chi với vai trò như một doanh nghiệp độc lập. Đến nay, Bkis đã đạt tới 85% thị phần phần mềm diệt virus có bản quyền tại Việt Nam và chúng tôi tự hào về năng lực phục vụ, chăm sóc khách hàng thực sự hiệu quả và ấn tượng.

Nhưng có phải Bkis vẫn quanh quẩn “sau luỹ tre làng” là thị trường Việt Nam?

Nguyễn Tử Quảng: Chúng tôi coi thị trường Việt Nam là hậu phương lớn. Trước khi tiến hành những chiến lược khác, cần phải xây dựng vững chắc hậu phương này, bằng chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ nghiêm túc.

Đã có “hậu phương lớn” thì chắc hẳn phải có “tiền tuyến lớn”?

Nguyễn Tử Quảng: Đúng vậy. Tiền tuyến của chúng tôi hiện nay đang là thị trường Mỹ. Hơn một năm qua, chúng tôi đã vạch ra chi tiết các kế hoạch cho bước tiến chiến lược này. Và trong suốt một năm nay, Bkis đã tiến hành những bước đệm cơ bản, bắt đầu từ xây dựng niềm tin vào năng lực và sản phẩm của trung tâm.

Việc các cơ quan truyền thông thế giới chuyển từ cách gọi chúng tôi là “a Vietnamese company” rồi mới nhắc tới Bkis sang cách nói ngắn gọn “Bkis” đã chứng tỏ nhận thức quốc tế về chúng tôi đang trở nên sâu rộng hơn.

Tại sao lại là Mỹ - một gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin?

Nguyễn Tử Quảng: Thay vì phải đi chiếm lĩnh từng thị trường nhỏ, chúng tôi chọn một thị trường lớn nhất để tập trung toàn bộ công sức. Khi chúng tôi thành công trên thị trường lớn, thì hiển nhiên chúng tôi sẽ được chấp nhận trên các thị trường nhỏ hơn.

Để bước ra toàn cầu Bkis cần phải leo lên vai người khổng lồ. Mỹ chính là người khổng lồ trong tầm ngắm của chúng tôi.

Ông có sợ “ngã ngựa” như chàng Don Quixote đánh cối xay gió không?

Nguyễn Tử Quảng: Rủi ro phải tính đến, nhưng tôi có niềm tin lớn hơn vào thành công tại thị trường hàng đầu thế giới này, vì bản chất của vấn đề là sản phẩm của Bkis có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm toàn cầu khác.

“Minh oan” cho virus

Làm sao để biết sản phẩm của Bkis không thua kém so với sản phẩm của các thương hiệu toàn cầu?

Nguyễn Tử Quảng: Dường như anh muốn hỏi ai sẽ là người cấp một cái tương tự như là “chứng chỉ” xác nhận chất lượng sản phẩm của Bkis? Theo tôi, câu trả lời xác đáng nhất chính là thị trường. Thị trường sẽ là cái chứng chỉ công minh nhất để đánh giá sản phẩm nào tốt hay không tốt. Hãy thử nhìn Windows của Microsoft, hiện đang thống lĩnh thị trường hệ điều hành toàn cầu, có ai bảo Microsoft phải xuất trình chứng chỉ do một bên nào khác cấp cho Windows thì mới chấp nhận sử dụng hệ điều hành này không?

Vâng, cứ cho là Bkis không “chuộng bằng cấp”, nhưng liệu có tiêu chí nào để so sánh chất lượng phần mềm diệt virus của ông với các sản phẩm khác?

Nguyễn Tử Quảng: Trong phòng kiểm định (test lab), các chuyên gia Bkis hằng ngày vẫn kiểm nghiệm và so sánh khả năng diệt virus của phần mềm của chúng tôi với các phần mềm có tiếng trên thế giới. Kết quả rất khả quan, phần mềm của Bkis thậm chí còn chiếm ưu thế so với “đối thủ”. Vì nhiều lý do, cả ở góc độ nguyên tắc về cạnh tranh, mà chúng tôi không thể công bố rộng rãi kết quả thử nghiệm này nhưng thị trường đã làm thay việc đó, chứng minh bằng thị phần như tôi đã nói.

Còn một thực tế là nhiều phần mềm diệt virus phổ biến trên thị trường sau khi diệt được virus rồi thì cũng làm hỏng luôn hệ điều hành, mà người sử dụng máy tính thì cứ nghĩ là hệ điều hành bị hư hỏng do virus. Đó là một khiếm khuyết về công nghệ, nhưng sản phẩm Bkav của chúng tôi không mắc lỗi như thế.

Vậy tại sao ông không đem sản phẩm của mình sang Mỹ để bán ngay khi đã rất tự tin vào chất lượng của nó?

Mục tiêu của chúng tôi vẫn kiên định trước tiên là xây dựng thật vững thị trường trong nước và Bkis đang xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động để đạt được điều này. Song song với đó chúng tôi gây dựng uy tín của Bkis trên thế giới bằng cách tham gia tích cực các sự việc an ninh mạng mang tính toàn cầu. Khi một nhà sản xuất đã có uy tín thì việc tung ra sản phẩm mới sẽ dễ dàng được chấp nhận.

Còn hiện tại chưa cần vội vã, vì đó là cả một quá trình dài. Nhưng, trong năm 2010, chúng tôi sẽ tung sản phẩm vào thị trường Mỹ.

Quan điểm của ông đối với thị trường nói chung là như thế nào?

Nguyễn Tử Quảng: Bkis tập trung vào người dùng cá nhân, những người sẽ mua hàng dựa trên nhu cầu thực sự và thước đo hiệu quả - đó là thị trường thật, chứ không phải là kết quả của lobby. Tức là chất lượng sản phẩm phải làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Sau đó đến chất lượng dịch vụ, chế độ sau bán hàng và giá bán.

“Lò đào tạo hiệp sỹ”

Ông từng được vinh danh là “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Giờ đây, ông có phật lòng không khi ai đó nói ông là “hiệp sĩ đi buôn”?

Nguyễn Tử Quảng: Tôi không cho rằng hoạt động mà tôi và Bkis đang thực hiện là “đi buôn”, vì chúng tôi không bươn chải chỉ để kiếm lời. Mười bốn năm trước, tôi thấy máy tính của mọi người bị nhiễm virus thì tôi nghiên cứu cho ra phần mềm diệt virus thôi, hoàn toàn miễn phí. Mười năm sau, đến năm 2005, tôi vẫn làm thế.

Nhưng cho đến nay, có quá nhiều virus và có quá nhiều người cần giúp đỡ, mà nếu tôi chỉ có vài ba người, thì mong muốn giúp đỡ mọi người sẽ chỉ là mong muốn chứ không thực hiện được. Nói cách khác là một hiệp sĩ sẽ không thể giúp tất cả mọi người. Làm thế nào bây giờ? Vậy thì thương mại hóa là cách để có tái đầu tư, có nhiều hiệp sĩ hơn để giúp nhiều người hơn. Theo anh, nên chọn gì? Một hiệp sĩ hay là hơn 500 hiệp sĩ như chúng tôi đang có?

Bảo vệ danh dự hiệp sĩ và giữ gìn uy tín thương hiệu, điều nào khó hơn?

Nguyễn Tử Quảng: Một trời một vực. Làm một chàng hiệp sĩ như sáu năm trước thì đơn giản lắm. Nhưng đổi lại, cộng đồng sẽ nhận được ít hơn từ chàng hiệp sĩ đó, vì anh ta không phân thân được. Ngược lại, khi chúng tôi xây dựng thành Bkis như ngày nay, có cả một đội ngũ lớn mạnh với hạ tầng hiện đại và văn hóa hiệp sỹ… có thể giúp nhiều người hơn, thì bản thân tôi cũng khó tránh được những thành kiến đại loại như “ông ấy vì tiền”. Không sao cả, phải chấp nhận hiểu lầm, để có hàng trăm, hàng ngàn hiệp sĩ nữa.

Tức là Bkis sẽ là một “lò đào tạo hiệp sĩ”?

Nguyễn Tử Quảng: Đúng vậy. Quy mô của Bkis sẽ ngày càng được mở rộng, chúng tôi đang cho ra lò hàng trăm hiệp sỹ và sắp tới sẽ là hàng ngàn.

Có nhiều ý kiến cho rằng ông đang rất “nổ”?

Nguyễn Tử Quảng: Thú thật là tôi không phải là thần thánh để có thể cười ngay trước những lời như thế được. Lúc đầu cũng buồn lắm, cũng có bức xúc nữa. Nhưng tôn chỉ của tôi là phải tìm ra bản chất của vấn đề. Trong một môi trường mà niềm tin bị xói mòn rất nhiều như hiện nay, tính bao dung của mỗi người bị co lại, sản phẩm kém chất lượng và chộp giật nhiều nhan nhản, thì người ta dễ có cách nhìn tiêu cực, đánh đồng mọi thứ.

Hơn nữa, sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm công nghệ cao, xuất hiện trong một đất nước có nền công nghệ còn kém phát triển, Bkis lại “dám” tuyên bố sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Nga thì rõ ràng không tránh khỏi những thành kiến.

Hiểu được bản chất như vậy thì sẽ thấy giải pháp hợp lý không phải là tìm cách đôi co, tranh luận mà phải bằng chính chất lượng thực của sản phẩm và thị phần mà Bkis tạo dựng được. Bền bỉ vượt qua những định kiến rồi sẽ đến ngày mọi người sẽ hiểu và đó là lúc chúng tôi có được hậu phương vững vàng để đưa sản phẩm ra toàn cầu. Tức là chúng tôi muốn chiếm trọn trái tim của người Việt.

Ông đánh giá sao về người Việt trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng?

Nguyễn Tử Quảng: Trí tuệ Việt Nam đâu có thua kém thế giới, quyết tâm, động lực của người Việt còn lớn hơn họ cả trăm lần vì chúng ta còn quá nghèo, vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được các sản phẩm công nghệ thông tin tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với các nước khác chứ? Và đến khi sản phẩm của chúng ta được thừa nhận trên thế giới rồi, thì câu chuyện “người Việt dùng hàng Việt” sẽ là đương nhiên, chứ không phải là khẩu hiệu hay phong trào, vì trong chúng ta còn có niềm tự tôn dân tộc.

Cảm ơn ông! Xin chúc ông sớm được bật champagne mừng chiến thắng trên vai người khổng lồ!

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục