Bloomberg: Một năm biến động đối với các nền kinh tế mới nổi

Theo hãng tin Bloomberg, các nền kinh tế mới nổi chuẩn bị kết thúc một năm 2018 đầy biến động từ chính trị đến kinh tế và kỳ vọng một năm 2019 tốt đẹp hơn.
Bloomberg: Một năm biến động đối với các nền kinh tế mới nổi ảnh 1Trụ sở của Fed tại thủ đô Washington, DC của Mỹ. (Ảnh: AFP/TXVN)

Theo hãng tin Bloomberg, các nền kinh tế mới nổi chuẩn bị kết thúc một năm 2018 đầy biến động từ chính trị đến kinh tế và kỳ vọng một năm 2019 tốt đẹp hơn.

Bài phân tích đăng tải trên trang tin Bloomberg chỉ rõ năm 2018 là một năm tồi tệ nhất đối với tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu bằng đồng nội tệ tại các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2015. Tuy nhiên, tình hình đã khởi sắc hơn trong những tháng gần đây.

Trước đó, cổ phiếu của các nền kinh tế mới nổi hồi tháng 10 vừa qua tụt dốc trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, khiến đồng USD tăng giá, và cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang, tác động đến các nước vốn có nền tảng yếu kém như Indonesia và Nam Phi.

Theo ông Michael Kushma thuộc Morgan Stanley Investment Management, rủi ro tại các nền kinh tế mới nổi tăng đáng kể trong năm 2018, tạo ra kỳ vọng về sự phục hồi trong năm 2019 khi các yếu tố bên ngoài nhiều khả năng sẽ khả quan hơn.

Bloomberg đã chỉ ra những nét nổi bật trong bức tranh toàn cảnh nhóm các nền kinh tế đang phát triển, trong đó phải kể đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi chính sách áp thuế cao đối với nhôm và thép nhập khẩu từ tháng Ba vừa qua đã khơi mào cuộc đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, buộc Bắc Kinh có các biện pháp đáp trả, khiến các thị trường bị chao đảo và nhiều nước bị "liên lụy."

Căng thẳng đã lắng dịu sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp kịp thời bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina, trong đó hai bên nhất trí hoãn áp thuế bổ sung trong khi tiến hành đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong 90 ngày.

Tại Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách nước này đã nỗ lực khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh nền kinh tế chững lại và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc căng thẳng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có 4 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm 2018.

Bên cạnh đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên ghi nhận những dấu hiệu tích cực với các cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng Tư vừa qua và với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Sáu vừa qua tại Singapore.

Các cuộc gặp lịch sử này đã chặn đứng nguy cơ chiến tranh tại khu vực này. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng những tác động tích cực từ các sự kiện trên đã bị "phủ bóng" bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc và không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh.

[Lần đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào danh sách The Bloomberg 50]

Chỉ số Kospi của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đã tụt dốc cùng với Trung Quốc và Philippines.

Chính trường Malaysia biến động sau khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 93 tuổi, dành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Năm vừa qua, trở thành thành vị lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới.

Chiến thắng của liên minh đối lập PH của ông Mahathir Mohamad đã chấm dứt 6 thập kỷ lãnh đảo của Liên minh cầm quyền (BN) của cựu Thủ tướng Najib Razak.

Bloomberg cũng đề cập tới vụ bê bối Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) liên quan đến ông Najib Razak đã dẫn đến loạt điều tra hình sự tại nhiều nước trên thế giới, thậm chí ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ cũng đang bị "sờ gáy."

Tại Indonesia, đồng rupiah rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997, khiến chính quyền và ngân hàng trung ương nước này đưa ra chính sách tiền tệ được Bloomberg đánh giá là chưa từng có tiền lệ.

Ngân hàng trung ương Indonesia đã 6 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản trong năm nay, lên tới mức 6% nhằm bảo vệ đồng nội tệ vốn trượt dốc.

Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cũng hạn chế nhập khẩu, dừng các dự án hàng tỷ USD nhằm giảm nhu cầu "đồng bạc xanh" ở trong nước.

Trong bối cảnh Indonesia sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 4/2019, các nhà đầu tư đang theo dõi liệu chính phủ mới sẽ theo xu hướng dân túy hay duy trì chính sách khắc khổ nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách kép, vốn được coi là điểm yếu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua một năm 2018 khó khăn khi các nhà đầu từ tháo chạy khỏi nước này trong bối cảnh chính quyền Ankara đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến vụ bắt giữ một mục sư người Mỹ.

Ngân hàng trung ương nước này cuối cùng đã phải tăng lãi suất trong bỗi cảnh đồng lira rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Bloomberg: Một năm biến động đối với các nền kinh tế mới nổi ảnh 2Đồng ruble của Nga. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Nước Nga cũng trải qua một năm 2018 không yên bình. Căng thẳng địa chính trị đã gây sức ép lên đồng ruble của Nga khiến đồng nội tệ này không thể có một năm tươi sáng hơn.

Bloomberg chỉ ra những yếu tố sau tác động nước này như các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva, rủi rõ từ những biện pháp nhằm vào trái phiếu đồng ruble, căng thẳng vụ điệp viên hai mang người Nga bị đầu độc tại Anh và cuộc bầu cử giữa nhiềm kỳ Mỹ hồi tháng 11 vừa qua, khiến giá trị đồng ruble sẽ có năm thứ ba liên tiếp sụt giảm.

Rủi ro tín dụng gia tăng, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài giảm sút trong bối cảnh Saudi Arabia đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại tòa Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul hồi tháng 10 vừa qua.

Vụ việc đã làm lung lay niềm tin đối với chính sách của Thái tử Mohammed bin Salman. Quốc gia vùng Vịnh này cũng đang leo thang căng thẳng với Iran, trong khi cuộc chiến tranh ở Yemen chưa thể sớm chấm dứt, ngoài ra căng thẳng ngoại giao với Qatar kể từ năm 2017 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bloomberg nhận định năm 2018 chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại khu vực Mỹ Latinh với việc hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Brazil và Mexico sẽ có các chính phủ theo đường lối này.

Tại Brazil, Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro đã giúp các nhà đầu tư yên tâm khi khi trao trách nhiệm tài chính cho cựu quản lý quỹ Paulo Guedes. Điều này đã khiến chỉ số chứng khoán tại Brazil lập đỉnh.

Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã hủy bỏ dự án sân bay trị giá 13 tỷ USD, khiến chứng khoán nước này giảm 10%.

Thị trường tại các quốc gia vùng Andes như Colombia, Peru và Chile cũng xáo trộn khi giá hàng hóa lao dốc, chính phủ mới lên nắm quyền.

Tại Peru, vụ bê bối tham nhũng đã khiến Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, vốn "thân thiện" với giới thị trường cùng nhiều cựu Tổng thống khác rơi vào "vòng lao lý."

Trong khi đó, tại Chile, tỷ phú Sebastian Pinera quay trở lại nắm quyền và người dân Colombia cũng đã lựa chọn nhà kinh tế dầy dạn kinh nghiệm Ivan Duque làm Tổng thống nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục