Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý tình trạng cắt tai, mài vỏ bình gas

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phê bình nghiêm khắc Cục trưởng Cục Quản lý thị trường về tình trạng "cả một Bộ quản lý Nhà nước bất lực trước một hiện tượng như vậy".
Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý tình trạng cắt tai, mài vỏ bình gas ảnh 1Hiện trường vụ sang chiết gas trái phép tại bãi đậu xe container thuộc khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Có bao giờ mà cả một Bộ quản lý Nhà nước bất lực trước một hiện tượng như vậy, nhưng lại giải trình với nhau là không đủ điều kiện, cơ sở pháp lý?

Sang chiết gas trái phép với đầy đủ bằng chứng mà chỉ lý giải là làm lậu, làm ban đêm, khó kiểm soát thì có chấp nhận được hay không?

Đó là những câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phê bình nghiêm khắc Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc khi để tình trạng sang chiết gas, cắt tai, mài vỏ, chiếm bình xảy ra phổ biến tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng với Cục Quản lý thị trường và đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương ngày 18/1 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, đối với vụ việc này lãnh đạo Cục Quản lý thị trường đã ở thế bị động, thiếu trách nhiệm trong việc xử lý dứt điểm việc sang chiết gas trái phép, cắt tai, mài vỏ, chiếm dụng bình.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tỏ ra “sốt ruột” trước việc các cơ quan truyền thông liên tục đăng tải thông tin và đưa ra những bằng chứng xác thực cũng như bức xúc của người tiêu dùng về vấn nạn này.

Tuy nhiên, Cục Quản lý thị trường - đại diện cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước trực tiếp lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí lúng túng trước những câu hỏi được Bộ trưởng đưa ra cũng như chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Giải trình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Trịnh Văn Ngọc đã viện dẫn hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý tình trạng chiếm dụng chai LPG (bình gas dân dụng); đồng thời cho rằng hiện vẫn chưa có quy định về việc buộc phải trao trả bình gas cho chủ sở hữu.

Các quy định chưa rõ việc sở hữu bình gas là sở hữu về thương hiệu hay sở hữu tài sản vì người sử dụng đã bỏ ra khoản tiền để mua vỏ bình.

Việc chiếm giữ vỏ bình phổ biến do chưa quy định trách nhiệm của đại lý, kênh tổ chức lưu thông khiến công tác kiểm soát các trạm chiết nạp chưa tốt đã dẫn đến thất thoát một lượng lớn vỏ bình.

Lượng bình này được một số đối tượng chiếm giữ, cắt tai, mài vỏ lại, đóng dấu nhãn mác của đơn vị khác rồi lại lưu thông trên thị trường.

Ông Trịnh Văn Ngọc cũng thừa nhận những bất cập hiện nay là mặc dù thu giữ vỏ bình gas ở khu sang chiết, song không có chế tài xử lý mà chỉ thực hiện tạm giữ đối với doanh nghiệp theo quy định do chưa có chế tài xử lý hành vi chiếm giữ trái phép.

Còn đối với Công ty Phúc Khang, đây là doanh nghiệp nằm trên địa bản tỉnh Hoà Bình, xung quanh có tường cao vây quanh nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện.

Hơn nữa, việc sang chiết gas lại thường diễn ra vào lúc 2-3 giờ đêm và rạng sáng, đến 4 giờ sáng xe mới chở ra.

Mặc dù người ít, việc nhiều, nhưng phải dành ra 10 nhân viên quản lý thị trường trinh sát cơ sở Phúc Khang này vì có bắt quả tang thì mới ngăn chặn được hành vi chiếm giữ trái phép.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, nếu xử lý hành chính là không thỏa đáng, tước giấy phép 2 tháng không phù hợp. Mặc dù Cục phối hợp với C74 để làm tốt việc này, nhưng kết quả xử lý lại phụ thuộc vào cơ quan điều tra.

[Hà Nội tạm giữ hàng nghìn bình gas sang chiết trái phép]

Hành vi của Phúc Khang là thay đổi hình dạng kết cấu. Quan điểm của Cục là xử hình sự, nhưng nếu phải xử lý hình sự thì thuộc cơ quan điều tra. Khi Cục họp với Công an tỉnh thì hành vi giả mạo muốn truy tố được phải trên 30 triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực kinh doanh khí, liên quan tới vấn đề vi phạm pháp luật mà nghiêm trọng hơn là nguy cơ mất an toàn cháy nổ, chiếm giữ trái phép vỏ bình chai LPG ở các đơn vị phân phối.

Nguyên nhân chủ yếu là do khách quan, tức là quy định xử lý chưa hoàn thiện và đầy đủ để điều chỉnh chế tài hành vi vi phạm pháp luật, chưa đủ mạnh và chưa đủ nội dung xác định xử lý hành vi đó.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây không phải là chỉ thị triển khai thường xuyên mà là nhiệm vụ đặc thù, bức xúc của xã hội, động chạm lớn đến lợi ích doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, lợi ích của người tiêu dùng, hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng liên tiếp chỉ ra những chứng cứ cụ thể và phản ánh từ các cơ quan truyền thông cũng như chi tiết lịch trình thời gian về vụ việc này trên báo chí.

Dù vậy vẫn không thấy bóng dáng của lực lượng quản lý thị trường vào cuộc hay tại các cuộc họp giao ban gần đây cũng không báo cáo chi tiết, làm rõ mức độ vi phạm… với lãnh đạo Bộ. Thay vào đó chỉ tập trung phân tích nguyên nhân khách quan, sơ sài.

Nhấn mạnh về vụ việc này, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động của cơ sở Phúc Khang không phải chỉ là chiếm dụng vỏ bình, cắt tai, mài bình mà còn là chiếm dụng và sang chiết gas trái phép, tức là kinh doanh trái phép.

Vì thế, ngoài việc chủ động phối hợp với C47 và cho rằng không đủ điều kiện để làm thêm thì Cục Quản lý thị trường đã làm gì để phối hợp với các cơ quan khác hay đến hôm nay mới có báo cáo chờ chỉ đạo của Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý thị trường ở địa phương không phát hiện ra và đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc.

Ngoài ra, việc xử lý chưa dứt điểm, có khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để kiểm tra, xử lý, chỉ đạo, chưa báo cáo Chính phủ. Qua đó để sự việc diễn ra kéo dài, gây bức xúc dư luận xã hội. Cục Quản lý thị trường cũng chưa làm việc với các cơ quan khác của Bộ để phối hợp, tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thủ tục…

Không những thế, Nghị định 19 về kinh doanh gas, khí hóa lỏng do chính Bộ Công Thương xây dựng mà lại cho là thiếu cơ sở thì không thể chấp nhận được. Vì vậy, cần phải xem lại việc đôn đốc kiểm tra ở địa phương, phân cấp quản lý.

Để xử lý triệt để vấn đề này, sau khi phê bình nghiêm khắc Cục Quản lý thị trường chưa làm tốt nhiệm vụ và Cục Cạnh tranh và bảo vệ tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học Công nghệ cũng chưa làm tốt để nảy sinh bất cập, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý thị trường làm rõ 4 nội dung về cắt tai, mài bình; chiếm dụng vỏ của đơn vị khác; sang chiết gas trái phép và vận chuyển lưu thông trái phép.

Bộ trưởng cũng đề nghị tổ công tác và quản lý thị trường làm việc với Hiệp hội gas để làm rõ vi phạm, qua đó kiến nghị biện pháp xử lý; Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý thị trường nghiên cứu lại các qui định, xem xét những tồn tại để điều chỉnh và làm tròn trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng khẳng định, tất cả các đơn vị phải hoàn thành công việc trong vòng 1 tuần và tổng hợp, đánh giá cũng như đề xuất giải pháp phương án xử lý trình lãnh đạo Bộ.

Trước đó, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cũng đã đưa việc kiểm tra tình trạng cắt tai, mài vỏ, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu, chiếm đoạt, hủy bỏ vỏ bình, gây thiệt hại kinh tế diện kiểm soát đặc biệt.

Hiệp hội Gas Việt Nam cũng nhiều lần phản ánh đến Ban Chỉ đạo 389 cũng như các ban, ngành địa phương về tình trạng này. Tuy nhiên, sự vụ vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn có xu hướng xảy ra nghiêm trọng và ngày càng tinh vi hơn.

Trước tình trạng này, để bảo vệ người tiêu dùng, thương hiệu cho doanh nghiệp cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, Ban chỉ đạo 389 yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung điều tra cơ bản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng gas; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như chiết nạp gas lậu, gas giả, gas kém chất lượng, chiếm giữ, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu của nhau…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền cho người dân biết được những tác hại của tình trạng gas giả, kém chất lượng; phát động toàn dân không bao che, tiếp tay và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.

Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, các đơn vị chức năng cần báo cáo về Ban Chỉ đạo 389 trước ngày 30/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục