Bộ Công Thương: Sức mua yếu, tồn kho vẫn còn cao

Mặc dù đã vào những tháng cuối năm và chuẩn bị cho Tết nhưng thị trường hàng hóa chưa thực sự sôi động, hàng tồn kho cao.
Mặc dù đã bước vào những tháng cuối năm và chuẩn bị cho dịp Tết nhưng thị trường hàng hóa chưa thực sự sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11 chỉ tăng 0,83% so với tháng trước khiến tồn kho của nhiều doanh nghiệp tiếp tục ở mức cao.

Sức mua yếu, tồn kho chưa giảm

Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng 11 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/12, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong tháng 11, nhiều địa phương bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mãi lớn cũng được các doanh nghiệp và các siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm Tết. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng thiết yếu dao động giảm nhẹ so với tháng trước do các yếu tố tác động như: giá hàng hóa thế giới đang có xu hướng giảm làm hạn chế đà tăng của các mặt hàng nhập khẩu; nguồn cung hàng hóa dồi dào, lượng tồn kho hàng hóa tăng.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 11 tăng nhẹ, ước đạt 201,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,0% so với tháng 11/2011. Tính chung 11 tháng, con số ước đạt gần 2.118 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 11 tháng tăng 6,39%.

Một số mặt hàng tiêu thụ tốt hơn chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, như xi măng, sắt thép, phân bón, thực phẩm... Trong khi giá hàng hóa nói chung và giá các mặt hàng thiết yếu nói riêng không có biến động lớn. Một số mặt hàng trong tháng tăng giá nhẹ do tính mùa vụ như phân bón, lúa gạo, hàng tiêu dùng (hàng may mặc); một số mặt hàng giá lại có xu hướng giảm nhẹ như xăng dầu, thực phẩm...

"Cuối năm nay khác với mọi năm, thị trường không tăng trưởng vào mùa bán hàng truyền thống chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, các nhà phân phối ra sức kích cầu bằng nhiều chương trình khuyến mãi hạ giá, hỗ trợ các thủ tục... để giải phóng hàng tồn kho nhằm thu hồi vốn. " ông Vỵ nói.

Đánh giá nguyên nhân trên, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, lượng hàng tiêu thụ tăng nhưng trị giá không tăng. Cụ thể, tháng Mười Một tụt giảm cả về tốc độ tăng doanh thu và lượng bán ra.
 
"Thông thường sát tết tiêu thụ thường tăng nhưng năm nay hơi khác thường, tốc độ tăng chậm. Nếu loại trừ giá thì mức lưu chuyển hàng hóa chỉ tăng 6,6%, thấp hơn 0,3-0,6% so với cùng kỳ 2011 là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý," ông Quyền nêu ý kiến.

Trong khi đó, mặc dù tháng Mười chỉ số tồn kho giảm còn 20% nhưng sang tháng 11/2012 đã tăng lên mức 22%; trong đó chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón tết như: sản xuất bia tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 57,6% so với cùng kỳ; sản xuất thuốc lá tăng 5,0% và tăng 45,0%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 11,7% và tăng 48,5%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng lần lượt là 8,5% và 21,7%...

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là ngành sản xuất lắp ráp ô tô hết sức khó khăn, lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ lớn. "Khó khăn này đã gián tiếp ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp khác trong ngành như doanh nghiệp cung cấp linh kiện bị giảm đơn hàng, người lao động thu nhập giảm hoặc bị buộc nghỉ việc," ông Vỵ cho hay.

Giữ CPI quanh mức 7,2%

Tại buổi họp giao ban, ông Võ Văn Quyền cho hay, trong tháng Mười Một, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng 0,47% so với tháng trước. Tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 6,52%.

Nguyên nhân là do nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất (tăng 5,16%); riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08% (trong đó nhóm chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm giảm 0,21%) và nhóm viễn thông giảm 0,01%. Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,11% đến 0,83%.

Từ thực tế thị trường, ông Quyền cho rằng, mặc dù tháng Mười Hai nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao hơn do bước vào lễ Noel và Tết Dương lịch. Tuy nhiên với nguồn cung dồi dào, cộng với lượng tồn kho hàng hóa tăng, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định nên giá hàng hóa trong nước sẽ không tăng đột biến.

Theo dự báo của Vụ thị trường trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười Hai sẽ tăng xấp xỉ 0,7% và như vậy cả năm 2012 thì CPI sẽ ở quanh mức 7%-8%.

"So với kế hoạch thì CPI cả năm chắc chắn được khống chế dưới mức 8% đúng với mục tiêu mà Quốc hội đặt ra," ông Võ Văn Quyền nói.

Tuy nhiên, trước vấn đề hàng lậu, hàng giả đang nóng dần những tháng cuối năm và dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu Cục Quản lý Thị trường tăng cường lực lượng để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và tập trung mạnh vào những mặt hàng như pháo nổ và đồ chơi bạo lực.

Bộ trưởng cũng yêu lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt với Bộ Tài chính tăng cường quản lý việc chấp hành các quy định pháp luật về giá như đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá…, không để các đối tượng xấu trục lợi tăng giá bất hợp pháp./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục