Bỏ điểm sàn thi đại học: Liệu có là xu hướng tất yếu?

Năm 2014, lần đầu tiên sau 12 năm tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức 3 chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sẽ bỏ điểm sàn.

Năm 2014, lần đầu tiên sau 12 năm tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức 3 chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sẽ bỏ điểm sàn. Đây lập tức trở thành một chủ đề nóng được đông đảo dư luận quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ bỏ điểm sàn là tất yếu khi ngành giáo dục đang hướng tới việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có người lo ngại chất lượng đầu vào bậc đại học sẽ bị giảm sút.

Nên bỏ điểm sàn

Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để các trường đại học, cao đẳng tuyển thí sinh vào học.

Theo giáo sư Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Đại học Hòa Bình, lâu nay Bộ vẫn sử dụng phương án điểm sàn để tuyển thí sinh điểm từ trên xuống do số thi vào đông so với chỉ tiêu. Nhưng so với 12 năm trước, số trường hiện nay đã gấp mấy lần, số cung đã nhiều lên thì mục đích phải khác.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Vận cho biết Đại học Hòa Bình đã làm khảo sát kết quả học tập của sinh viên năm nhất và thấy không có mối liên quan nào với kết quả đầu vào, nghĩa là không phải cứ điểm đầu vào cao thì sinh viên đó sẽ học tốt ở đại học. Trong khi đó, so kết quả của sinh viên ở năm nhất và năm cuối thì thấy có sự nhất quán.

“Tôi đã chia sẻ điều này với Giáo sư Thái Bá Cần ở trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Cần Thơ, Giáo sư Cần cũng có chung nhận xét này. Đây là kết quả khách quan. Điều đó cho thấy cách học phổ thông và đại học đã khác nhau, và cách chọn nghề phù hợp là quan trọng chứ không cố chỉ để vào đại học,” ông Vận nói.

Theo đó, ông Vận cho rằng việc bỏ điểm sàn là hợp lý và các trường cần có sự thay đổi trong cách tuyển sinh để tuyển được những em có năng lực và đam mê thực sự về một nghề nào đó. Cách tuyển sinh chỉ bằng kết quả thi ba môn hiện nay là không hợp lý và không đáp ứng được nhu cầu đào tạo của từng ngành.

Bỏ điểm sàn thi đại học: Liệu có là xu hướng tất yếu? ảnh 1Thí sinh dự thi đại học. (Ảnh: TTXVN)

Đây cũng là chia sẻ của ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Theo ông Nhĩ, cách tính điểm sàn với tổng điểm ba môn không phản ánh được năng lực thí sinh về một lĩnh vực nào đó.

“Cùng thi vào ngành toán, một thí sinh đạt 8 điểm toán nhưng tổng điểm ba môn không đủ sàn là 13 điểm thì em đó vẫn trượt, một em khác có khi chỉ đạt 4,5 điểm mỗi môn lại đỗ. Trong khi đó, đào tạo đại học là gắn với chuyên ngành. Vì thế, tôi cho bỏ điểm sàn là hợp lý,” ông Nhĩ chia sẻ.

Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng cũng cho rằng khi Bộ chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường thì bỏ điểm sàn là hợp lý.

Theo phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thực tế điểm sàn chỉ có tác dụng đối với những trường tốp dưới, có điểm trúng tuyển thấp, còn với các trường nhóm trên luôn có điểm chuẩn từ 15, 16 trở lên thì bỏ hay không bỏ điểm sàn không có ý nghĩa gì. Mặt khác, mùa thi năm nay, nếu còn điểm sàn cũng chỉ áp dụng với các trường có tham gia thi ba chung trong khi đã có đến 50 trường đưa đề án lên Bộ xin thi riêng.

“Tôi cho việc bỏ điểm sàn là cần thiết,” ông Sơn quả quyết.


"Xin đừng lo chất lượng kém"

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, cũng nhiều người lo ngại việc Bộ bỏ điểm sàn sẽ khiến chất lượng đầu vào bị thả nổi, là cơ hội để các trường khó tuyển có thể chiêu sinh dù không đảm bảo năng lực đào tạo.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bỏ điểm sàn không có nghĩa là buông hoàn toàn việc tuyển sinh mà thay bằng một ngưỡng tối thiểu khác.

“Sẽ có một hội đồng tư vấn giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định các tiêu chí khoa học hơn, hợp lý hơn, thay cho tiêu chí đơn nhất hiện nay là điểm sàn. Bộ sẽ sớm công bố các tiêu chí này để lấy ý kiến của người dân trước khi ban hành chính thức,” ông Trinh nói.

Không chỉ có ngưỡng với các trường tham gia kỳ thi ba chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định với các trường có đề án thi riêng cũng phải nêu rõ ngưỡng đầu vào tối thiểu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng thậm chí Bộ có thể bỏ luôn yêu cầu về ngưỡng tối thiểu. “Việc bỏ điểm sàn có một số ý lo lắng, nhưng tôi cho rằng bỏ cũng không cần một hàng rào nào khác. Chính các trường phải tự chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình. Nếu bỏ điểm sàn nhưng đặt một ngưỡng khác thì cơ bản không có gì thay đổi,” ông Sơn nói.

Cũng theo vị Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội này, vấn đề quan trọng không phải ở đầu vào mà ở việc phải sàng lọc đầu ra và làm tốt trong quá trình đào tạo. Khi đó, những sinh viên được tuyển vào nhưng không học được sẽ phải tự đào thải. Đây cũng xu hướng chung của quốc tế.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Duy Chu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Á (Bắc Ninh) chia sẻ: “Xin đừng lo chất lượng kém. Xã hội chính là nơi sàng lọc tốt nhất, khắc nghiệt nhất và các trường nếu không đảm bảo chất lượng đào tạo thì sẽ tự hại mình.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục