Bộ Giáo dục Đào tạo "bật mí" cách tính điểm sàn mới

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cách tính điểm sàn năm nay có sự thay đổi theo hướng ưu tiên năng lực người học thay vì chú ý chỉ tiêu.
Cách tính điểm sàn đại học, cao đẳng năm nay đã có sự thay đổi so với mọi năm. Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo vừa diễn ra trưa nay, ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã “bật mí” về phương án tính mới này. - Thưa Thứ trưởng, việc tính điểm sàn năm nay được Bộ đổi mới như thế nào?Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm sàn mọi năm được tính với nhiều thông số chi tiết như căn cứ trên chỉ tiêu, tính đến sự dịch chuyển vùng miền của thí sinh… Tuy nhiên, do có nhiều chi tiết như vậy nên xã hội khó biết được cách tính cụ thể thế nào. Năm nay, Bộ đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, điểm sàn được tính từ tổng điểm bình quân của thí sinh. Phổ điểm được Bộ công bố công khai và vì thế ai cũng có thể biết và tính được, tạo điều kiện cho xã hội kiểm tra, giám sát. Các thành viên Hội đồng điểm sàn hài lòng với cách tính mới này và dự kiến sẽ áp dụng cho các năm tiếp theo. Với mức điểm sàn năm nay, tổng số thí sinh dôi dư trên điểm sàn so với tổng chỉ tiêu là 238.768 thí sinh [tổng chỉ tiêu năm 2012 là 650.000 sinh viên-PV]. Năm 2012, số thí sinh dôi dư là 141.000 em. Như vậy, so với năm ngoái, số thí sinh dôi dư tăng khoảng 100.000 em. Đây là nguồn tuyển phong phú và tình hình khó tuyển ở các trường sẽ được cải thiện. Điểm sàn trước đây dựa chủ yếu vào chỉ tiêu. Cách tiếp cận mới năm nay là dựa trên năng lực thí sinh, ưu tiên cho chất lượng nguồn tuyển. Hiện nay, Bộ đã cho các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Số chỉ tiêu của các trường đưa ra là năng lực tối đa, có thể tuyến đạt, có thể không đạt. - Năm nay là năm đầu tiên thí sinh học liên thông thi cùng thí sinh học chính quy. Điểm thi của hệ liên thông được tính thế nào, thưa ông?Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm sàn của hệ liên thông bằng điểm sàn chung. Việc chọn điểm chuẩn cho hệ này do các trường tự quyết dựa trên điểm thi và chỉ tiêu tuyển vào trường mình, không nhất thiết phải bằng điểm chuẩn hệ chính quy. - Đề thi năm nay được cho là dễ hơn, dẫn đến điểm thi cao hơn. Đây liệu có phải là cách để Bộ cứu trường khó tuyển?Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi dễ hay khó là rất tương đối. Đề năm nay phù hợp hơn với năng lực của thí sinh. Kiến thức vẫn nằm trong chương trình trung học phổ thông và chủ yếu tập trung ở lớp 12. Thí sinh làm bài tốt một phần do đề thi phù hợp với năng lực của các em, bên cạnh đó còn nhờ sự quyết tâm nỗ lực của các em và chất lượng giáo dục phổ thông tăng lên. Điểm thi có sự dịch chuyển về phía điểm cao. Đề không dễ nhưng có tính phân loại vì vẫn có em điểm rất thấp. Có một số trường điểm rất cao nhưng đây cũng là những trường tập trung lượng thí sinh xuất sắc nhất nên năm nào cũng cao. - Thứ trưởng có thể cho biết việc tuyển sinh của các trường sẽ được Bộ giám sát như thế nào?Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu của các trường, không được tuyển vượt vì đó đã là ngưỡng tuyển tối đa trường tự xác định. Cụ thể, sau khi kết thúc xét tuyển, Bộ đã có kế hoạch kiểm tra. Nếu trường nào vi phạm sẽ phạt nặng trường và hiệu trưởng. Các năm trước, khi trường tuyển vượt chỉ tiêu, Bộ chỉ phạt tài chính trường, nhưng biện pháp này không có nhiều hiệu quả, trường không ngại nộp phạt vì đã thu được học phí từ sinh viên. Năm nay Bộ sẽ phạt người cả người đứng đầu. Lãnh đạo các trường vì thế sẽ phải cân nhắc hơn việc tuyển vượt. Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định việc tuyển nguyện vọng sau không được thấp điểm hơn nguyện vọng trước. Các rào cản này sẽ giúp cho các trường nhóm dưới tuyển sinh thuận lợi hơn. - Một số trường ngoài công lập đã đề nghị Bộ xem xét phương án tuyển sinh riêng. Hiện các đề án này thế nào, thưa Thứ trưởng?Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề án của các trường chủ yếu đề xuất xét tuyển dựa trên điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm tổng kết các năm học cấp 3… Tuy nhiên, phương án này không được dư luận đồng tình. Bộ đã yêu cầu các trường điều chỉnh và tiếp tục trình Bộ xem xét. Bộ sẽ đưa ra lấy ý kiến, nếu phương án khả thi, được xã hội ủng hộ, Bộ sẽ cho phép trường áp dụng ngay trong mùa tuyển sinh năm nay.
 
Hơn 394.000 lượt thí sinh trượt đại học

Theo tính toán của ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có gần 394.000 lượt thí sinh chính thức trượt đại học vì có điểm thí sinh thấp hơn điểm sàn.

Cụ thể, ở khối A có 160.798 em dưới điểm sàn, khối B có gần 87.000 em, khối C có trên 26.000 em và khối D có 71.000 thí sinh dưới điểm sàn.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục