Bộ Giáo dục & Đào tạo: Không bỏ thi tốt nghiệp THPT dù có tốn kém

“Nếu nói bỏ thì tôi khẳng định sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng sẽ không thi như hiện nay," Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nói.
Bộ Giáo dục & Đào tạo: Không bỏ thi tốt nghiệp THPT dù có tốn kém ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

“Nếu nói bỏ thì tôi khẳng định sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng sẽ không thi như hiện nay mà phải thay đổi để kỳ thi phản ánh đúng năng lực của học sinh.” Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển chiều nay, ngày 18/6, trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), do Bộ tổ chức tại Hà Nội.

Kết quả chưa xác thực 100%

Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, tính đến 16 giờ chiều nay, đã có 60 tỉnh thành trên cả nước báo cáo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông về Bộ. Theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương này trung bình là 98,99% ở hệ giáo dục phổ thông và 88,91% ở hệ giáo dục thường xuyên.

Năm 2013, các con số này lần lượt là 98,97% và 78,08%. Như vậy, tính đến thời điểm này, so với năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương tăng nhẹ ở bậc trung học phổ thông (0,02%) và tăng khá mạnh ở hệ giáo dục thường xuyên (10,83%). Cá biệt ở một số địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên tăng đột biến như Cà Mau tăng trên 40%, Đắc Lắk tăng gần 30%...

Trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu kết quả này có chính xác, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Năm nay công tác thi cử nghiêm túc hơn năm trước, kết quả thi theo đó cũng phản ánh chất lượng chính xác hơn năm trước.” Tuy nhiên, vị Thứ trưởng này cũng thừa nhận: “Kết quả này chưa chắc đã sát thực 100%."

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, dư luận đặt vấn đề có nên duy trì một kỳ thi có nhiều áp lực, tốn kém mà tỷ lệ đỗ cao hay không, nhưng quan điểm của Bộ là kỳ thi tốt nghiệp để đánh giá năng lực học sinh sau quá trình dạy và học. “Đã thi cử thì sẽ có áp lực, có tốn kém. Bộ không bỏ thi nhưng cố gắng để giảm những áp lực không cần thiết,” ông Hiển nói.

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Không bỏ thi tốt nghiệp THPT dù có tốn kém ảnh 2Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đi thanh tra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tiếp tục đổi mới thi cử

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết Bộ sẽ nỗ lực để năm sau kết quả thi sẽ phản ánh thực chất hơn nữa năng lực học sinh. “Đề thi phải đánh giá được năng lực người học, có tác dụng phân hóa người học. Đề thi năm nay đã làm được điều này nhưng Bộ sẽ cố gắng để làm tốt hơn nữa. Làm tốt rồi mới tính đến các yếu tố khác như ai tổ chức, ai ra đề, hay việc dư luận có đề xuất là thực hiện ngân hàng đề thi...” ông Hiển nói.

Cùng về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh thừa nhận kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lâu nay tổ chức có nặng nề và tốn kém. Năm nay Bộ đã bắt đầu đổi mới. Theo lộ trình, sẽ tiến tới có một kỳ thi chung vừa đánh giá kết quả bậc trung học phổ thông, vừa là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng làm căn cứ để tuyển sinh.

Cũng theo ông Trinh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận, nhất là ở khâu đổi mới đề thi. Với sự đổi mới đó, ông Trinh cho rằng đã chạm được vào việc dạy và học của giáo viên và học sinh ở các trường. Theo đó, việc dạy và học sẽ không chỉ rập khuôn theo sách vở mà phải gắn với hơi thở cuộc sống, không chỉ học thuộc mà phải chuyển hóa thành kỹ năng của người học.

“Sẽ cần tiếp tục đổi mới nữa. Bộ đang lấy ý kiến các chuyên gia cũng như phản biện xã hội để có những đổi mới hợp lý,” ông Trinh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục