Bộ Giao thông nhận trách nhiệm về hạ tầng kém

Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm quản lý và nêu ra nguyên nhân dẫn đến việc công trình giao thông chất lượng kém, chậm tiến độ.
Trả lời chất vấn của Quốc hội, chiều 10/6, về trách nhiệm trước tình trạng chất lượng các công trình giao thông kém, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về công tác quản lý của các ban quản lý dự án và quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết về mặt quản lý Nhà nước,  Bộ Giao thông Vận tải đã đặt ra rất nhiều các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiến độ các dự án. Phần lớn dự án về mặt chất lượng, tiến độ có cải thiện hơn, nhưng vẫn còn những công trình chưa đảm bảo, có dự án vừa đưa khai thác đã hiệu chỉnh, sửa chữa. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư mà cụ thể là của tư vấn thiết kế trong nhiều trường hợp chưa sâu sát, chất lượng chưa tốt nên sang đến bước thiết kế, nhiều công trình phải khảo sát lại. Ngay cả bước thiết kế cũng còn khiếm khuyết từ khâu thiết kế kỹ thuật tới thiết kế bản vẽ thi công.

Trong thời gian gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng có cải thiện hơn, hàng năm có lợi nhuận nhưng số lợi nhuận đó chưa bù được lỗ lũy kế tích lũy từ nhiều năm. Trong khi vốn chủ sở hữu đầu tư rất thấp, cộng với lỗ lũy kế nên năng lực tài chính của các doanh nghiệp rất yếu kém. Thêm vào đó, trình độ công tác tổ chức, quản lý, giám sát… còn nhiều hạn chế.

Một nguyên nhân nữa là tư vấn giám sát. Các dự án dùng vốn ngân sách trong nước, vai trò tư vấn giám sát rất hạn chế từ trình độ năng lực tới trách nhiệm nên hầu như việc phát hiện các thiếu sót hư hỏng trong quá trình xây dựng, trong khâu thiết kế, bản vẽ thi công đến thực hiện đầu tư còn nhiều khiếm khuyết, dẫn tới chất lượng công trình chưa đảm bảo.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù đã có nhiều văn bản, nhiều thể chế, để quản lý đầu tư nhưng khi triển khai thực hiện chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, còn nhiều khiếm khuyết, chưa theo kịp sự phát triển và sự càng ngày càng phức tạp của công trình.

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, thời gian tới Bộ Giao thông vận tải cần phân cấp triệt để chủ đầu tư dự án, phân cấp gần hết cho các tổng công ty, các cục chuyên ngành và các địa phương. Bộ phần lớn chỉ làm trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư và trực tiếp quản lý, làm chủ đầu tư khoảng 14-15 dự án có quy mô phức tạp, có tính chất liên vùng, liên ngành. Điều này sẽ giúp bộ tập trung vào công tác thể chế, chính sách đối với xây dựng và công tác giám sát đầu tư, để phi tập trung hóa quyền lực, đảm bảo sự minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước, quản lý dự án và chất lượng chương trình một cách tốt hơn.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh phải từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, không thể làm thay doanh nghiệp trong nhiều vấn đề.

Cũng trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc về tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vấn đề tai nạn giao thông còn nhiều nhức nhối.

Cho dù các con số, Hà Nội đã xóa 66/120 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông nhờ các dải phân cách, tai nạn giao thông giảm dần, năm 2008, giảm 1.564 người chết (gần 12%), năm 2009 giảm gần 1% và 4 tháng đầu năm giảm 157 người (gần 4%)… được Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đưa ra nhưng cũng chưa đủ sức thuyết phục với nhiều đại biểu.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết hiện dự án đang trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư và cũng chưa lựa chọn đối tác cụ thể. Các đối tác có giúp Việt Nam chuẩn bị dự án nhưng để đầu tư, tài trợ về vốn thì chưa có lực chọn cụ thể. Khi Quốc hội chấp thuận chủ trương sẽ đi sâu thỏa thuận tài trợ theo hướng hợp tác đối tác, doanh nghiệp nào có công nghệ hợp lý, tương thích, có điều kiện về vốn đều có thể tham gia dự án.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lĩnh vực giao thông và an toàn giao thông rất rộng. Hầu hết các ý kiến tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đã được xác định là vấn đề chiến lược.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý “căn bệnh” lâu năm của hạ tầng giao thông vẫn là chậm tiến độ, chậm thi công, chậm giải ngân, chậm quyết toán, chất lượng nhiều công trình chưa bảo đảm, nhiều công trình chưa làm xong đã phát sinh vấn đề... Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện toàn bộ quy hoạch phát triển giao thông ở Việt Nam; kiên quyết xử lý theo pháp luật các trường hợp làm sai trong việc mua sắm tài sản, phương tiện; Giải quyết một cách khoa học vấn đề ách tắc giao thông; có biện pháp hướng dẫn, thực hiện các qưy định về văn hóa giao thông, ý thức giao thông, đặc biệt là chế tài xử phạt... một cách tích cực./.

Thanh Vân-Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục