Bộ GTVT đưa giải pháp khắc phục ùn tắc và chậm, hủy chuyến tại sân bay

Bộ GTVT đưa giải pháp khắc phục ùn tắc và chậm, hủy chuyến bay

Các hãng hàng không thực hiện nghiêm việc lập kế hoạch bay phù hợp với năng lực quản lý, vận hành, khai thác của hãng mình và điều kiện khai thác của mỗi cảng hàng không.
Máy bay của các hãng hàng không tại một sân bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không tại một sân bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài việc chỉ đạo tuyệt đối không để ùn tắc vì lý do kiểm tra an ninh tại sân bay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các hãng hàng không tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh, an toàn hàng không; tuyệt đối không được bán vé quá slot đã được cấp; khắc phục ngay tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến.

Tại cuộc họp về phương án giải quyết ùn ứ tại các Cảng hàng không vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thời gian gần đây, do lưu lượng hành khách gia tăng đột biến đã gây ra tình trạng ùn ứ, quá tải xảy ra tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất gây khó khăn, phiền hà cho hành khách và bức xúc dư luận xã hội.

Tình trạng ùn ứ, quá tải nêu trên được người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải đánh giá nguyên nhân xuất phát từ các nguyên nhân như phải kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc; kiểm tra soi chiếu an ninh; hiệu quả sử dụng số lượng slot (lượt cất, hạ cánh theo giờ) được phân bổ cho các hãng hàng không, việc điều phối các chuyến bay cất/hạ cánh, phân bổ khai thác tại các nhà ga chưa hợp lý...

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp số liệu các chuyến bay và phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, quá tải, chậm, hủy chuyến.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không rà soát, nghiên cứu, đề xuất Bộ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực hàng không để kịp thời có các chế tài xử phạt đối với các hãng hàng không để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyển vì lý do thương mại và cơ chế bồi thường cho khách hàng thỏa đáng trong trường hợp chậm, hủy chuyến do lỗi chủ quan của các hãng hàng không…

[Hãng hàng không hạn chế thấp nhất chậm, hủy chuyến bay dịp 30/4]

Mặt khác, Cục Hàng không triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng chỉ số đúng giờ (OTP); điều chỉnh việc đánh giá chỉ số OTP theo lịch mùa; nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí đánh giá chỉ số OTP gồm giờ cất và hạ cánh.

“Cục Hàng không tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ việc sử dụng slot của các hãng hàng không; nghiên cứu tăng thêm phần dự phòng slot đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài; rà soát lại toàn bộ trình tự, quy trình và điều kiện cấp slot cho các hãng hàng không; yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm việc lập kế hoạch bay phù hợp với năng lực quản lý, vận hành, khai thác của hãng mình và điều kiện khai thác của mỗi cảng hàng không,” Bộ trưởng Thể cho hay.

Trong giai đoạn chưa có các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế, phân bổ thêm các slot quốc tế cho nhu cầu bay nội địa, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không phải thông báo các slot không có kế hoạch sử dụng về Cục trong thời gian tối thiểu 10 ngày; cho phép các hãng hàng không trong cùng một tổ chức được điều chỉnh slot nội bộ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thể yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng cường năng lực soi chiếu an ninh, bố trí máy móc, thiết bị soi chiếu hiện đại, ưu tiên bố trí nhân viên có năng lực, kinh nghiệm để phục vụ tại các cảng hàng không có lưu lượng hành khách lớn; bố trí, sắp xếp hợp lý đối với việc kiểm tra an ninh bắt buộc; điều tiết, kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không kể cả vào ban đêm; làm việc với các hãng hàng không để khai thác một phần nhà ga quốc tế cho các chuyến bay nội địa, tuyệt đối không để ùn tắc vì lý do kiểm tra an ninh.

Đối với các hãng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh, an toàn hàng không; tuyệt đối không được bán vé quá slot đã được cấp; khắc phục ngay tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến bay vì lý do thương mại, đảm bảo quyền lợi của hành khách; chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn, kiểm soát khai báo y tế bắt buộc đối với hành khách; tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn hành khách thực hiện check-in và khai báo y tế điện tử.

Các hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam, ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cung ứng dịch vụ hàng không tốt nhất cho hành khách, góp phần tăng cường sức mạnh các hãng hàng không Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục