Bỏ lệnh ứng viên quan hệ với đảng Baath tranh cử

Iraq quyết định cho phép gần 500 ứng cử viên bị cáo buộc dính líu tới đảng Baath tham gia tranh cử Quốc hội vào ngày 7/3 tới.
Một Ủy ban phúc thẩm ở Iraq ngày 3/2 quyết định cho phép gần 500 ứng cử viên bị cáo buộc dính líu tới đảng Baath của Tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 7/3 tới, mở đường cho cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ.

Lệnh cấm các ứng cử viên có quan hệ với đảng Baath tham gia tranh cử do Ủy ban Trách nhiệm và Pháp lý soạn thảo và được Ủy ban bầu cử cấp cao độc lập của Iraq (IHEC) đưa ra tháng trước đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni, vốn chiếm thiểu số ở Iraq nhưng là cộng đồng nắm chính quyền dưới thời Tổng thống Hussein.

Các nhà lãnh đạo dòng Hồi giáo Sunni coi đây là một âm mưu của chính quyền đương nhiệm của người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số nhằm gạt người Sunni ra ngoài lề. Lệnh cấm này cũng đe dọa xới lại những xung đột tôn giáo từng suýt đẩy Iraq đến bờ vực nội chiến cách đây vài năm.

Trong thông báo hủy bỏ lệnh cấm trên, Ủy ban phúc thẩm nêu rõ các ứng cử viên bị cấm sẽ vẫn được tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng tới và tiến trình rà soát tư cách ứng cử viên đối với những người này sẽ được xem xét sau đó do thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đã đến rất gần và ủy ban này không có đủ thời gian để xem xét từng trường hợp.

Bà Hamdiya Al- Husseini , một thành viên của IHEC cho biết các ứng cử viên thuộc danh sách này nếu trúng cử sẽ chỉ được công nhận sau khi Ủy ban đã xem xét hồ sơ của họ và xác nhận họ không có liên hệ với đảng Baath.

Xung đột tôn giáo giữa người Sunni và người Shiite ở Iraq, đỉnh điểm vào năm 2006-2007 từng làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, nhưng tình trạng bạo lực giữa hai cộng đồng này ở Iraq đã giảm trong hai năm qua.

Liên quan cuộc bầu cử sắp tới, khoảng 6.500 ứng cử viên thuộc 86 đảng, bao gồm 12 liên minh cũng như những ứng cử viên độc lập, đã đăng ký tranh cử.

Cuộc bầu cử này được coi là có tính quyết định đối với việc củng cố nền dân chủ ở Iraq và mở đường để Mỹ rút quân hoàn toàn vào cuối năm 2011 theo đúng kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục