Bộ máy lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu có ý nghĩa thế nào ở châu Á?

Lãnh đạo châu Âu nhận thức rõ nhu cầu cấp bách có được một chiến lược châu Á toàn diện, bao gồm sự can dự lớn hơn với khu vực này, cũng như xác định vai trò thực sự trên trường quốc tế.
Bộ máy lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu có ý nghĩa thế nào ở châu Á? ảnh 1Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một cuộc bỏ phiếu ngoạn mục sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, Hội đồng châu Âu đã chọn Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Vị trí này là một trong gói bổ nhiệm các vị trí chủ chốt lãnh đạo châu Âu cho nhiệm kỳ 5 năm tới, trong đó gồm Thủ tướng Bỉ Charles Michel là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell là Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại.

Theo bài viết trên trang mạng eurasiareview.com ngày 26/7, trước đó các lãnh đạo EU đã không thể tìm được tiếng nói chung về bất kỳ ứng cử viên nào, bao gồm nguyên tắc ứng cử viên hàng đầu (Spitzenkandidaten) cho vị trí quyền lực nhất EU, trong đó quy định chủ tịch tương lai của EC phải là người đứng đầu chính đảng về đầu trong cuộc bầu cử nghị viện.

Họ đã bác tất cả các ứng cử viên dẫn đầu của các nhóm nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu (EP) đề cử cho vị trí Chủ tịch EC.

Ý tưởng sử dụng nguyên tắc ứng cử viên hàng đầu này được cho là gây ra tình trạng cá nhân hóa chiến dịch tranh cử và đặt ra yếu tố dân chủ tham gia trong quá trình lựa chọn các nhân vật chủ chốt của Brussels.

Những thỏa thuận ngầm phi dân chủ

Giống như nhiều nước khác trên thế giới, EU đã rơi vào tình trạng suy giảm dân chủ và tình trạng này lan rộng đến bất ngờ trên toàn bộ chính trường ở Brussels và ở các nước thành viên EU.

Nhiều nghị sỹ và nhà quan sát lo sợ rằng sự thống nhất và toàn vẹn về mặt lập pháp đã bị hủy hoại đồng thời cáo buộc lãnh đạo EU bỏ qua giá trị dân chủ khi thúc đẩy hành động thao túng, vận động ngầm cho các vị trí lãnh đạo của EU.

[Gian nan với Chủ tịch EC sắp tới khi đặt cược sinh mạng chính trị]

Theo quan điểm của những nhà quan sát này, nguyên tắc ứng cử viên hàng đầu mang tính dân chủ đã bị “bỏ xó” để chạy theo một thỏa thuận ngầm giữa lãnh đạo các nước thành viên vốn có liên quan đến những lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia hơn là thể hiện sự tôn trọng đối với kết quả cuộc bầu cử EP hồi tháng 5/2019.

Giới chỉ trích cho rằng sự bổ nhiệm bà von der Leyen là hủy hoại giá trị dân chủ ở châu Âu. Điều này cũng bị cho là hủy hoại các cuộc bầu cử nghị viện và là một cú đánh nhằm vào EP vốn lâu này đặt nhiều hy vọng và nỗ lực vào nguyên tắc ứng cử viên hàng đầu.

Mặc dù vậy, trên thực tế thì sự lựa chọn các vị trí lãnh đạo EU nói trên phù hợp với các hiệp ước của EU nhằm ngăn chặn việc hình thành một liên minh siêu quốc gia áp đảo với quá nhiều quyền lực tập trung ở Brussels.

Lựa chọn tốt với châu Âu

Bà von der Leyen là một ứng cử viên rất phù hợp mặc dù có hồ sơ thành tích không mấy suôn sẻ. Những ý kiến gièm pha cho rằng thành tích của bà ở Bộ Quốc phòng Đức không đủ để được thăng tiến lên vị trí lãnh đạo EC.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng quốc phòng là một lĩnh vực khó khăn nhất của Đức và gần như khó có thể kiếm được thành tích chính trị tại một bộ thiếu ngân sách hiện nay của Đức.

Trái lại, lợi thế của von der Leyen là bà có quá thân quen với Brussels, nơi bà đã gắn bó thời thơ ấu của mình và bà duy trì được một mạng lưới rộng khắp trong hoạt động chính trị của EU.

Là một người châu Âu tận tâm, von der Leyen hiểu rõ tính chất phức tạp và rắc rối của chính trị Brussels khi nói được cả tiếng Pháp và tiếng Anh thành thạo.

Ngoài ra, với kinh nghiệm làm bộ trưởng hơn 10 năm qua, bà có được nhiệt huyết và kinh nghiệm, những thứ mà ông Manfred Weber, người lẽ ra sẽ là Chủ tịch EC theo nguyên tắc đứng đầu liên danh, không có được.

ASEAN như nào, EU như vậy

Nguyên tắc ứng cử viên hàng đầu nói trên gây tranh cãi ở nhiều nước thành viên châu Âu. Và cũng không có gì sai khi Hiệp ước Lisbon chỉ yêu cầu lãnh đạo EU “xem xét kết quả bầu cử nghị viện” khi đề cử vị trí chủ tịch cho nghị viện, vốn sau đó chỉ bỏ phiếu cho một ứng cử viên được đề xuất.

Do đó, sự vận động và thao túng ngầm trên thực tế lại phù hợp với luật lệ và tinh thần của EU. Trái với quan điểm của phần lớn nghị sỹ châu Âu và các nhà quan sát, các cuộc bầu cử không định đoạt được các vị trí cốt cán của EU.

Không phải các lãnh đạo EU đã hủy hoại những giá trị dân chủ của EU mà chính là nghị viện châu Âu đã hủy hoại những giá trị này khi thúc đẩy thực hiện nguyên tắc ứng cử viên hàng đầu khắp châu Âu trước thềm bầu cử nghị viện.

Những ứng cử viên thúc đẩy nguyên tắc này đã không trung thực khi đưa ra tuyên bố bị che đậy rằng bằng cách nào đó cử tri có được tiếng nói của mình trong việc lựa chọn ban lãnh đạo (EU).

Thế nên, việc bổ nhiệm bà von der Leyen cho thấy châu Âu không trải qua một bước tụt lùi dân chủ mà chính là đang thực hành sự trung thực. Đã gần như là một chân lý hiển nhiên khi nói rằng EU là một đối tác siêu quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bộ máy lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu có ý nghĩa thế nào ở châu Á? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, sự liên hệ này cho thấy rằng cũng giống như ASEAN, EU thực sự vẫn là một tổ chức quốc tế của các quốc gia độc lập, tất cả đều có lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị riêng của mình kèm theo đó là những lãnh đạo được bầu hợp pháp và dân chủ.

Nói cách khác, EU không phải là một thực thể siêu quốc gia mà giống như ASEAN, các yếu tố liên chính phủ của EU vẫn tồn tại. EC không phải là một chính phủ thực sự hợp pháp và có chủ quyền.

EP cũng không phải là một nghị viện thực sự hợp pháp và có chủ quyền. EU nỗ lực thành công trong quá trình dàn xếp giữa 28 nước thành viên có quan điểm khác nhau, lợi ích trong nước khác nhau để rồi cuối cùng đưa ra được một đại thỏa hiệp cho toàn châu Âu. Đây chính là bản chất thực sự của EU và cũng là cách thức mà EU sẽ được duy trì.

EU suy giảm vai trò ở châu Á

Trong tương lai, bà von der Leyen sẽ phải đầu tư nhiều công sức vào việc hàn gắn mối quan hệ về mặt thể chế giữa Nghị viện, Ủy ban và Hội đồng châu Âu. Mối bận tâm về quan hệ nội bộ này sẽ đánh đổi bằng những nỗ lực nâng cao vai trò của EU trên trường quốc tế.

Lãnh đạo châu Âu nhận thức rõ nhu cầu cấp bách có được một chiến lược châu Á toàn diện, bao gồm sự can dự lớn hơn với khu vực này. EU cũng sẽ phải đau đáu tìm cách xử lý thách thức thực sự với câu hỏi liệu EU cần và có thể đóng vai trò gì trên trường quốc tế.

Quá trình EU thực hiện nỗ lực đóng một vai trò to lớn hơn ở châu Á sẽ chậm lại đáng kể khi mà nỗ lực này sẽ cần phải được đầu tư vào nỗ lực hàn gắn mang tính thể chế đối với ba cơ quan bên trong EU đề cập ở trên. Đây là một khó khăn của một vị tân Chủ tịch EC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục