Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị phòng chống bão Rammasun

Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng chống bão số 2, cơn bão Rammasun.
Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị phòng chống bão Rammasun ảnh 1Chiều 17/7/2014, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng chống bão Sammasun. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng chống bão số 2.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Binh chủng Công binh… và điểm cầu Quân khu 1, 2, 3, 4, Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân.

Nhận được tin bão số 2, Bộ Tổng Tham mưu đã có Điện chỉ đạo các Quân khu 1, 2, 3, 4, Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quân đoàn 1, 2 và một số đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án chống bão, hỗ trợ sơ tán, di dời nhân dân các vùng ven biển, ven sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn; sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã kiên quyết gọi, thông báo diễn biến của bão số 2 cho hơn 60 nghìn tàu thuyền và hơn 200 nghìn người đang đánh bắt cá, hoạt động trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ để chủ động di chuyển hoặc về bờ tránh trú an toàn. Quân khu 3, Bộ đội Biên phòng, Hải quân huy động hơn 100 nghìn cán bộ, chiến sĩ và gần 3000 phương tiện các loại sẵn sàng ứng phó với bão số 2.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị chủ động phân trực, theo dõi, sẵn sàng tham gia phòng chống bão, cứu người và tài sản của nhân dân với tinh thần cao nhất. Bộ trưởng yêu cầu: Quân khu 3, Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có biện pháp tích cực đảm bảo an toàn kho tàng, doanh trại, cùng với chính quyền địa phương có phương án tổ chức neo đậu tàu thuyền, sơ tán triệt để dân trên các luồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.

Quân khu 1, 2, 4 sẵn sàng lực lượng cơ động ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống lũ quyét, sạt lở đất; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân sơ tán từ các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó với tình huống ngập lụt, hỗ trợ lực lượng công an tham gia giải tỏa, khắc phục giao thông khi bị ngập lụt trên địa bàn thành phố.

Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc đảm bảo thông tin liên lạc vững chắc để chỉ đạo các đơn vị ứng phó bão; Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân, Công binh, Quân đoàn 1, 2 sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu trên các hướng khi có lệnh.

Tổng cục Chính trị phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông ngoài quân đội đưa tin về các hoạt động phòng, chống bão của các đơn vị; kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng ngày, nhiều bộ ngành cũng đã lên các phương án phòng chống bão số 2.

Trước diễn biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ của cơn bão số 2, ngày 17/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có Công điện gửi Công an các đơn vị, tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các tỉnh Bắc Bộ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với bão; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để chủ động đối phó.

Công an các đơn vị, tỉnh, thành phố tổ chức ứng trực 100% quân số; sẵn sàng vật tư, phương tiện, phương án phòng chống lụt bão, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; rà soát phương tiện, ngư dân tại nơi tránh trú; tổ chức sơ tán dân, kiên quyết không để dân ở tàu, thuyền, bè, lồng bè; tổ chức sơ tán dân ra khỏi nơi xung yếu, nơi có nguy cơ sạt lở, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản, nơi nhà yếu và có nguy cơ đổ.

Công an các đơn vị, tỉnh, thành phố đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy; cấm tất cả các phương tiện đường bộ khu vực có bão, gió trên cấp 12; bố trí chốt, phân luồng, kiểm tra an toàn sông suối, sẵn sàng lực lượng ứng cứu dân khi bão lũ.

Bộ Công an thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2 tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế vừa gửi công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ động phòng chống cơn bão số 2, cơn bão Rammasun.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các tỉnh Bắc Bộ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ; liên hệ và phối hợp chặt chẽ với ban phòng chống lụt bão địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với các tình huống thiên tai; theo sát diễn biến mưa, bão, đặc biệt đề phòng lũ quét và sạt lở đất để có biện pháp ứng phó kịp thời; kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, có độ an toàn thấp, các công trình vừa bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.

Các đơn vị trực thuộc chuẩn bị tốt công tác phòng chống mưa lũ, bão, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, lên phương án chằng, chống các công trình trường, lớp học, dừng các hoạt động hè tại các cơ sở giáo dục trong thời gian mưa bão; chuẩn bị tốt các phương án ứng phó trước, trong và sau mưa lũ, lụt bão, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để có phương án làm vệ sinh môi trường trường học, chuẩn bị phương án cung ứng đủ thiết bị dạy học và sách giáo khoa cho năm học mới.

Các đơn vị chủ động phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các đơn vị trong ngành đảm bảo “3 đủ”, tạo điều kiện giúp đỡ học sinh khó khăn, chịu ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các vụ, cục chức năng trong Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cần theo dõi chặt chẽ diến biến bão Rammasun để chủ động ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra.

Sở Y tế các địa phương cần huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão Rammasun; sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão... và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.

Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24h luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh; chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sang chấn tâm lý sau bão; khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.

Sở Y tế các địa phương cần triển khai kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng; phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục