Bộ sách đồ sộ về “Kho tàng sử thi Tây Nguyên”

“Kho tàng sử thi Tây Nguyên” là một bộ sách đồ sộ với 75 tác phẩm sử thi của các dân tộc Ba Na, Chăm, Ê Đê, M' Nông, Ra Glai, Xơ Đăng.
Sáng 17/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã chính thức cho ra mắt độc giả Việt Nam bộ sách “Kho tàng sử thi Tây Nguyên.”

Với trên 60.000 trang in trong 62 tập sách, đây được xem là bộ sách đặc sắc và độ sộ nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Bộ sách gồm 75 tác phẩm sử thi của các dân tộc Ba Na, Chăm, Ê Đê, M' Nông, Ra Glai và Xơ Đăng được xuất bản dưới hình thức song ngữ: tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.

“Kho tàng sử thi Tây Nguyên” đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Kỷ lục công trình sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam."

Các học giả đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan đã hết sức ngạc nhiên về sự đa dạng và phong phú của sử thi Việt Nam và đánh giá bộ sách “Kho tàng sử thi Tây Nguyên” là một sự đầu tư thích đáng của Việt Nam đối với tài sản văn hóa phi vật thể.

Bộ sách này cũng đã được đưa vào danh mục đề nghị UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Sử thi là một thể loại văn học dân gian, là một hiện tượng văn hóa có ý nghĩa to lớn. Giới nghiên cứu cho rằng: Sử thi là “bách khoa thư” về một cộng đồng, một dân tộc.

Giáo sư Đinh Gia Khánh nhận định, giá trị lớn nhất của các áng sử thi là ở chỗ qua hình tượng các vị thần và các anh hùng đã thể hiện được phẩm chất của nhân dân lao động với tính cách hồn nhiên, chất phác, với đầu óc năng động thông minh, với niềm gắn bó cùng nhau trong cộng đồng ...

“Kho tàng Sử thi Tây Nguyên” là thành quả của dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện từ năm 2001.

75 tác phẩm sử thi được công bố lần này là những tác phẩm tiêu biểu nhất chọn lọc từ hơn 622 tác phẩm sử thi được phát hiện tại hơn 1.000 buôn, bon, làng, plây của 35 huyện, thị xã, thành phố khu vực Tây Nguyên.

Trong quá trình điều tra, các chuyên gia còn phát hiện nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên và các vùng phụ cận như: Chăm hơ roi, X-Tiêng, Xê Đăng, Cơ Ho... cũng có sử thi.

Có 388 nghệ nhân biết hát, biết kể văn nghệ dân gian và sử thi đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh: Bình Phước, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.../.

Hữu Duyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục