Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi các nền kinh tế lớn thúc đẩy tăng trưởng

Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi các nước "vận dụng mọi đòn bẩy kinh tế," trong đó có chính sách kích thích tài chính, điều chỉnh tiền tệ và cải tổ cơ cấu.
Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi các nền kinh tế lớn thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1Các đại biểu Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thảo luận tại cuộc họp. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 9/4, Bộ Tài chính Mỹ đã hối thúc Nhật Bản, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác tăng cường các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Trong báo cáo trình Quốc hội định kỳ hai lần một năm về các chính sách tỷ giá hối đoái và kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi các nước "vận dụng mọi đòn bẩy kinh tế," trong đó có chính sách kích thích tài chính, điều chỉnh tiền tệ và cải tổ cơ cấu, đồng thời nhấn mạnh Washington không nhất thiết phải là đầu tàu kinh tế duy nhất của thế giới.

Báo cáo nêu rõ "các cách tiếp cận cân bằng đối với chính sách kinh tế vĩ mô là đặc biệt cần thiết đối với những nước có thặng dư lớn như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc."

Các biện pháp phải phù hợp với những cam kết mà Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã nhất trí.

Đối với Nhật Bản, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng nước này không nên vội vàng tìm cách cắt giảm nợ công mà cần đảm bảo một sự phục hồi kinh tế bền vững.

Bộ trên cảnh báo nhu cầu nội địa của Nhật Bản đang ở mức yếu, đồng thời hối thúc Tokyo thực thi chính sách kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải tổ cơ cấu để đảm bảo "sự phục hồi kinh tế bền vững và cân bằng."

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào chính sách tiền tệ sẽ đe dọa đà phục hồi và triển vọng thoát khỏi lạm phát của Chính phủ Nhật Bản, đồng thời có thể gây ra "hiệu ứng tràn" (phản ánh mối quan hệ tương hỗ giữa các nền kinh tế thị trường).

Với Hàn Quốc, bộ này đề nghị hạn chế can dự vào thị trường ngoại hối và "cho phép đồng won tăng giá hơn nữa."

Đề cập tới Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), báo cáo trên cho rằng các nước thành viên cần đóng góp cho nhu cầu của toàn cầu bằng cách áp dụng các biện pháp cần thiết để tạo đà tiêu thụ nội địa.

Về Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ thừa nhận nước này không thao túng tiền tệ, song cho rằng giá trị của đồng nhân dân tệ vẫn ở mức thấp so với đồng USD, do đó Bắc Kinh vẫn cần nỗ lực duy trì tiến trình đạt được một tỷ giá theo thị trường.

Cũng theo báo cáo của bộ trên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối theo đúng cam kết của chính phủ nước này tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục