Bộ Tài chính sẽ triển khai AI để 'lật tẩy' gian lận trong nộp thuế

Bộ Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Ngành tài chính sẽ triển khai và xây dựng dữ liệu hóa đơn điện tử, từ đó áp dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hạn chế rủi ro, phát hiện gian lận trong nộp thuế, luân chuyển chứng từ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi trong buổi làm việc với Tập đoàn FPT. (Ảnh: Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi trong buổi làm việc với Tập đoàn FPT. (Ảnh: Vietnam+)

“Trước mắt, ngành tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành, như trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định và đánh giá chính sách của Bộ Tài chính.”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh nội dung trên trong buổi làm việc với Tập đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành tài chính, ngày 28/4.

Thời gian qua, 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.

Bộ Tài chính lần thứ 8 liên tiếp đứng đầu xếp hạng Vietnam ICT Index

Bộ trưởng cho biết ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước… và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành

“Phấn đấu đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo...,” Bộ trưởng nói.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Tập đoàn FPT trình bày số đề xuất về chuyển đổi số trong ngành, như cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghiệp vụ đăng ký thuế,  tăng thu, chống gian lận, quản lý rủi ro, giám sát giao dịch chứng khoán, phòng chống tội phạm tài chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính…

Bộ Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo ảnh 1Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của ngành. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực chất chuyển đổi số liên quan đến vấn đề dữ liệu kết nối và liên thông.

“Đối với ngành tài chính thì dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hóa đơn điện tử nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt được sự minh bạch. Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước,” ông Bình nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá những giải pháp, đề xuất chuyển đổi số trong ngành tài chính mà FPT đưa ra tại buổi làm việc là rất thiết thực.

Ông cho biết tới đây, Bộ Tài chính sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2030 đồng thời nêu sáu vấn đề ngành cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và triển khai theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian tới.

Thứ nhất là hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Thứ hai, triển khai hóa đơn điện tử; xây dựng dữ liệu hóa đơn điện tử từ đó áp dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hạn chế rủi ro, phát hiện gian lận trong nộp thuế, luân chuyển chứng từ qua trục kết nối liên thông.

Thứ ba, hỗ trợ cơ quan hải quan xác định giá tính thuế, phân tích, quản lý rủi ro trong hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra…

Thứ tư, quản lý, giám sát giao dịch chứng khoán và phòng chống tội phạm trên thị trường chứng khoán.

Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài chính, kết nối liên thông qua công nghệ blockchain.

Thứ sáu, liên thông dữ liệu số; sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích những rủi ro trong công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất, kiến nghị.

"Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo để triển khai từng dự án đầu tư đảm bảo một cách nhanh, chính xác và phát huy được hiệu quả cao nhất," ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục