Bộ Tài chính: Tâm lý "cố thủ" nhà đất còn tồn tại ở nhiều bộ ngành

Tâm lý cố giữ nhà, đất theo lãnh đạo Bộ Tài chính là vẫn tồn tại ở các bộ, ngành, địa phương và thậm chí, một số đơn vị chuyển về trụ sở mới vẫn không bàn giao cơ sở cũ.
Bộ Tài chính: Tâm lý "cố thủ" nhà đất còn tồn tại ở nhiều bộ ngành ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Còn hơn 1 tỷ m2 đất và hơn 20 triệu m2 nhà chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Tâm lý cố giữ nhà, đất theo lãnh đạo Bộ Tài chính là vẫn tồn tại ở các bộ, ngành, địa phương và thậm chí, một số đơn vị chuyển về trụ sở mới vẫn không bàn giao cơ sở cũ.

Cho thuê, mượn không đúng quy định

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, tính đến tháng 12/2016, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với gần 155.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng trên 3 tỷ m2 đất và khoảng 140 triệu m2 nhà.

Qua đó, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 123.800 cơ sở với tổng diện tích là 1.967 triệu m2 đất và 116 triệu m2 nhà. Trong số trên, cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng phần lớn diện tích với 1.857 triệu m2 đất; còn lại là bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất,…

Tuy vậy, trong quá trình, đại diện Bộ Tài chính thấy rằng, việc sắp xếp nhà, đất triển khai còn chậm do nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Một số quy định theo đánh giá là khó thực hiện như cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bố trí từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất,…

Mặt khác, việc chậm sắp xếp nhà, đất theo đại diện Bộ Tài chính còn xuất phát từ chính công tác tổ chức, thực hiện. Cụ thể, một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác sắp xếp, nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Một số nơi theo đánh giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhưng chưa tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án đã được phê duyệt.

Một số địa phương thực tế cũng chậm cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất nên các cơ quan không có cơ sở để lập phương án sử dụng nhà, đất hoặc phương án di dời hiệu quả.

Thậm chí, báo cáo của ngành tài chính thẳng thắn nêu lên, một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc chấp hành chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương còn tâm lý cố giữ nhà, đất đang quản lý, sử dụng. “Một số đơn vị đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhưng sau khi chuyền về trụ sở mới vẫn không bàn giao lại trụ sở cũ cho Nhà nước,” báo của Bộ Tài chính nêu lên.

Chưa có chế tài xử lý?

Việc để thực tế trên xảy ra, theo đại diện Bộ Tài chính là do hiện chưa có chế tài xử lý xử lý phù hợp. Ngoài ra, công tác hậu kiểm tra việc thực hiện phương án chưa được quy định ở chính sách và tổ chức thực hiện còn hạn chế.

[Kiểm toán cảnh báo về minh bạch quản lý tài chính, tài sản công]

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, nhà, đất là những tài sản có giá trị lớn, cần được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Bởi vậy định hướng việc xử lý, sắp xếp nhà, đất trong thời gian tới theo cơ quan này cần thông qua cơ chế sắp xếp nhà, đất để khắc phục tình trạng sử dụng sai quy định, lãng phí nguồn tài sản công của Nhà nước.

Phía Bộ Tài chính nêu quan điểm, cần xử lý nghiêm minh và triệt để các trường hợp sử dụng sai quy định như cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí là nhà ở, lấn chiếm,…

Đối với nhà, đất sử dụng không hiệu quả, sai quy định, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Nhà nước thu hồi giao cho tổ chức khác sử dụng để tạo nguồn lực từ quỹ nhà, đất nhằm phát triển kinh tế xã hội.

Định hướng quản lý theo lãnh đạo ngành tài chính là cơ chế khuyến khích tự sắp xếp diện tích sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tạo quỹ đất dôi dư để bán, chuyển nhượng, chuyến mục đích, hình thành nguồn tài chính. Việc này nhằm đầu tư hiện đại hóa công sở, di dời các cơ sở gây ô nhiễm cũng như giảm gánh nặng cân đối ngân sách Nhà nước.

Việc điều tiết nguồn thu từ nhà, đất theo đại diện Bộ Tài chính cũng nhằm hỗ trợ việc di dời các hộ gia đình ở đan xen trong trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sờ hạ tầng,...

Tuy vậy, đại diện ngành tài chính cũng nhấn mạnh việc phải rà soát chặt chẽ quỹ nhà đất của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo trong quá trình cổ phần hóa, chuyến nhượng vốn không thất thoát tài sản Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục