Bộ Tài chính trấn an về khoản vay hơn 300.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm

Bộ Tài chính: Không lo mất an toàn quỹ bảo hiểm vì đầu tư trái phiếu

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc chuyển các khoản vay của ngân sách Nhà nước từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang trái phiếu không ảnh hưởng tới an toàn quỹ này.
Bộ Tài chính: Không lo mất an toàn quỹ bảo hiểm vì đầu tư trái phiếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc chuyển các khoản vay của ngân sách Nhà nước từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang trái phiếu Chính phủ nhằm giúp phía bảo hiểm linh hoạt hơn trong đầu tư và không ảnh hưởng tới an toàn quỹ này.

Đây là trả lời của bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính trước câu hỏi về khoản vay hơn 300.000 tỷ đồng dưới dạng hợp đồng của ngân sách Nhà nước từ Bảo hiểm xã hội chuyển thành trái phiếu Chính phủ.

Dẫn quy định hiện tại, bà Hiền cho hay, hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải đảm bảo mục tiêu an toàn vốn và có tăng trưởng.

Theo bà, việc chuyển hình thức từ vay bằng hợp đồng sang hình thức công cụ nợ là trái phiếu thì tính an toàn với quỹ bảo hiểm là tương tự vì đều là Chính phủ vay.

Không những vậy, điều này theo bà còn giúp cho thị trường và cho phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

“Bảo hiểm xã hội là đối tượng đầu tư lớn vào thị trường vốn, nếu vay dưới dạng hợp đồng như trước thì không thể lưu hành trên thị trường. Quyết định đổi sang trái phiếu Chính phủ vừa thêm sản phẩm, vừa tạo tính thanh khoản cho thị trường. Bản thân Bảo hiểm xã hội cũng linh hoạt và chủ động trong đầu tư, nếu cần thanh khoản có thể mang bán trái phiếu trên thị trường để thu hồi vốn,” lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng lên tiếng.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của Bảo hiểm xã hội với khoản đầu tư quỹ cho ngân sách Nhà nước vay lại tới 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% tổng quỹ. Ngoài ra, đầu tư vào trái phiếu Chính phủ tính đến cuối năm 2015 đạt 45.500 tỷ đồng (chiếm 10,46% tổng quỹ) còn lại là những khoản đầu tư khác./.

Theo thống kê của ngành tài chính, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2016 là 281.750 tỷ đồng tương đương, 98,3% kế hoạch phát hành năm. Trong số này, 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,71 năm, tăng 1,73 năm so với năm 2015.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục