Bó tay với ô nhiễm?

Doanh nghiệp gây ô nhiễm, cơ quan quản lý bó tay?

Học sinh, giáo viên phải nhập viện, trường học đóng cửa do khí thải gây ô nhiễm nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự vào cuộc.
Hàng chục học sinh, giáo viên phải nhập viện, trường học từng phải đóng cửa nhiều ngày, song đã một tháng trôi qua, cơ quan chức năng nhà nước vẫn chưa thể hoàn tất việc lấy mẫu quan trắc khí thải công nghiệp.

Vụ xả khói gây ô nhiễm mà “nghi can” là một số nhà máy thép ở khu vực Quán Toan, quận Hồng Bàng (Hải Phòng), đang gây bức xúc trong dư luận khi các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc chưa thật sự khẩn trương.

Như tin đã đưa, trong 2 ngày liên tiếp 27 và 28/10, 73 học sinh, giáo viên của Trường Trung học cơ sở Quán Toan ở quận Hồng Bàng phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, tức ngực khó thở vì hít phải khí thải công nghiệp độc hại.

Hầu hết tất cả thầy trò và người dân xung quanh đều cho rằng nguyên nhân là do khí thải công nghiệp của Công ty cổ phần Thép Việt-Nhật cách đó chừng 300m gây ra. Người bị nặng nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thanh, 29 tuổi, giáo viên môn mỹ thuật - khi đang giảng bài cô hít phải khí độc và người cảm thấy tức ngực, khó thở.

Cô Thanh vội vã rời khỏi lớp học để xuống phòng chờ của giáo viên thì bị ngất ở giữa sân trường. Cô nhập viện trong tình trạng mặt mày xanh xao, tức ngực, khó thở, chân tay tê.

Sự cố trên đã khiến ngành giáo dục phải ra quyết định tạm đóng cửa trường học, cho học sinh nghỉ học nhiều ngày để kiểm tra vệ sinh môi trường.

Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, thành phố Hải Phòng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài Nguyên Môi trường chủ trì để xác minh, tìm hiểu nguyên nhân. Bảy nhà máy sản xuất thép ở khu vực quận Hồng Bàng nằm trong danh sách kiểm tra.

Tuy nhiên, một tháng trôi qua, việc lấy các mẫu khí thải của các cột khói của 3 nhà sản xuất thép lớn của thành phố gần khu vực trường học là Thép Việt-Hàn, Thép Việt-Úc và “nghi can” số 1 là Nhà máy thép Việt-Nhật bị chững lại và dường như nằm ngoài khả năng của các cơ quan quản lý nhà nước ở Hải Phòng.

Lý do là các cột khói này quá cao (40m), đường kính gần 1 mét mà lại không có các lỗ thăm nên cơ quan quản lý nhà nước không thể tiến hành lấy mẫu khí thải để làm quan trắc.

Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng đang phải “cầu cứu” từ phía Bộ chủ quản. Trung tâm quan trắc thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã xuống quan sát, nhưng chưa tiến hành lấy mẫu khí thải vì phải chờ có hợp đồng ký kết giữa họ với thành phố Hải Phòng để có kinh phí thực hiện.

Về việc các cột khói của 3 doanh nghiệp trên đều không có các lỗ thăm để lấy mẫu khí, ông Phùng Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng, giải thích rằng không vi phạm luật môi trường vì doanh nghiệp hoàn toàn được phép lắp đặt ống khói theo thiết kế của dây chuyền công nghệ nhập ngoại.

Cũng theo lời ông Thanh, phía Sở Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu các doanh nghiệp phải khoan ống khói để phục vụ cho việc lấy mẫu quan trắc, song phía doanh nghiệp từ chối với lý do việc khoan lỗ thăm sẽ làm hỏng ống khói và làm cho nhà máy phải dừng hoạt động sản xuất.

Ông Thanh cho biết thêm, định kỳ các doanh nghiệp một năm 4 lần phải lấy mẫu quan trắc khí thải và báo cáo với cơ quan chủ quản. Chính vì vậy, dư luận đặt câu hỏi không hiểu các nhà máy sản xuất thép lấy mẫu khí thải kiểu gì, trong khi một tháng nay cơ quan chức năng nhà nước loay hoay không có cách gì lấy mẫu khí của các cột khói này.

Trong số 7 doanh nghiệp sản xuất thép thì có tới 5 đơn vị được Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng phê duyệt đánh giá tác động môi trường, 2 đơn vị do Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt.

Do chưa có kết luận từ phía cơ quan chủ quản, nên hiển nhiên các nhà máy thép trên “vô can” và vẫn ngày ngày hoạt động sản xuất bình thường.

Thời gian càng kéo dài, thì càng làm cho thầy, trò của 3 trường học cùng hàng trăm hộ dân xung quanh khu công nghiệp Quán Toan này sống trong lo âu vì khí thải công nghiệp./.

Vũ Văn Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục