Vươn cao Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Quy mô, dung lượng thị trường tăng trưởng rất cao

13/01/2023 10:24

Có thể khẳng định điểm sáng trong “bức tranh kinh tế” năm 2022 chính là kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán đích ngoạn mục với con số kỷ lục trên 730 tỷ USD, bất chấp vô vàn khó khăn và những tác động tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu.

cover-botruongcongthuong-1-.png

Có thể khẳng định điểm sáng trong “bức tranh kinh tế” năm 2022 chính là kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán đích ngoạn mục với con số kỷ lục trên 730 tỷ USD, bất chấp vô vàn khó khăn và những tác động tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu.

Kết quả này là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn ngành Công Thương - cơ quan tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Với những quyết sách và giải pháp đúng đắn, kịp thời trong từng giai đoạn, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất, Bộ Công Thương đã khẳng định được vị thế trụ cột, đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước.

Nhìn lại năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết mặc dù những tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 rất lớn, song Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng.


1(1).png

- Xin chia sẻ niềm vui với Bộ trưởng với thắng lợi vô cùng to lớn của xuất nhập khẩu năm vừa qua. Cùng với thương mại-dịch vụ trong nước thì đây là một trong hai lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế năm 2022. Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn trong công tác quản lý, điều hành để giành được kết quả trên?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2022, Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Trong số đó, xuất khẩu tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 chính là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu.

cover-botruongcongthuong-2-.png

Bên cạnh đó, thị trường trong nước năm qua cũng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần so với kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19 và thị trường thế giới có biến động lớn, nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nguồn hàng và bình ổn thị trường, hầu hết các địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng trên cả nước, tuy còn nhiều khó khăn sau đại dịch, nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tăng thêm của người dân, nhất là các dịp lễ, Tết.

Hầu hết các địa phương đã triển khai tích cực và hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa để vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước vừa dự trữ đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm. Do đó, thị trường hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân ở mọi miền trên cả nước.

Thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức khoảng 3% (cách xa mức 4% Quốc hội giao). Sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm nay đã bật tăng mạnh trở lại.

Điều đó cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển.

Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%).


2.png

- Bên cạnh thương mại thì sản xuất công nghiệp cũng là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế. Vậy xin Bộ trưởng cho biết đâu là những ngành mũi nhọn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch để có đóng góp quan trọng vào việc phục hồi của nền kinh tế nói chung ?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2022 phải kể đến các điểm sáng quan trọng trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại-dịch vụ quốc tế và nội địa… Thực tế cho thấy sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương, chuỗi cung ứng đã được nối lại và đa dạng hóa.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy phát triển sản xuất và khôi phục nền kinh tế, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu... qua đó, cùng các ngành, địa phương, đáp ứng cơ bản hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân và đảm bảo sẵn sàng nguồn hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

cover-botruongcongthuong-3-.png

Với việc phát huy hiệu quả rõ rét trong tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp của cả nước phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9% (cùng kỳ tăng 4,8%) đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5-9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4-7,3%).

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trên 9% năm 2022, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Để đạt được những kết quả tốt trong khôi phục và phát triển sản xuất, có hai nguyên nhân cơ bản đó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế, tranh thủ cơ hội thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa, tập trung đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

- Bộ trưởng nhận định như thế nào về những khó khăn thách thức mà lĩnh vực thương mại-dịch vụ cũng như sản xuất công nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt trong năm 2023?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tôi cho rằng năm 2023, ngành công thương tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình xung đột Nga-Ukraine kéo dài, điều này khiến cho nguồn cung và giá cả năng lượng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Các xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, cùng với tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế và sụt giảm tăng trưởng toàn cầu vẫn là các mối nguy đối với an ninh kinh tế của các quốc gia. Các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, tiếp cận thị trường và vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn.

Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận, nhưng tăng trưởng đã có những dấu hiệu sụt giảm trong những tháng cuối năm 2022.

Các tác động của kinh tế toàn cầu đối với đất nước là rất rõ rệt khi độ mở cửa của nền kinh tế ngày càng lớn sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Riêng xuất khẩu, dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của các nước, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Mặc dù vậy, các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu.

Hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA để duy trì và phát triển xuất khẩu trong năm 2023.


3.png

- Từ các nhận định này và thực tế đã trải qua của năm 2022, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ Công Thương nhằm đạt được các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2023 ?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Để khắc phục những khó khăn, thách thức và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023, ngành công thương sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, về sản xuất công nghiệp, bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng; ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp.

Cùng với đó, bộ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

cover-botruongcongthuong-4-.png

Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản thiết yếu như: xăng dầu, điện, than, phân bón ... và bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu các loại hàng hóa, năng lượng cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết cuối năm..

Thứ hai, về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết, tập trung khai thác thị trường mới, chú trọng khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng; phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp…

Ngoài ra, bộ cũng sẽ theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.

cover-botruongcongthuong-5-.png

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới với giá cả ngày càng cạnh tranh. Các hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế…

Thứ ba, về phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics tập trung khai thác tốt thị trường nội địa, vẫn còn dư địa gia tăng, trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp. Thực hiện một cách quyết liệt, nhịp nhàng công tác đảm bảo cung-cầu hàng hóa trong nước, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, xác định là đầu vào quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế…, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

cover-botruongcongthuong-6-.png

Bên cạnh đó, bọ cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng; chú trọng tuyên truyền về tình hình cung-cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp; khẩn trương rà soát, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014-NĐ/CP và Nghị định số 95/2021-NĐ/CP của Chính phủ, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Quy mô, dung lượng thị trường tăng trưởng rất cao