Bộ Y tế "không giấu thông tin về dịch sởi"

Bộ trưởng Bộ Y tế: Không hề giấu giếm thông tin về dịch bệnh

Trưa 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định ngành y tế không giấu mà cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, chính xác
Bộ trưởng Bộ Y tế: Không hề giấu giếm thông tin về dịch bệnh ảnh 1Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân nhi nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Sáng nay, sau một thời gian bệnh sởi bùng phát ở Hà Nội và trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên “thị sát” tình trạng bệnh nhi sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và chủ trì cuộc họp với các bệnh viện, sở y tế và các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bên lề cuộc họp, người đứng đầu ngành y tế lần đầu tiên trả lời chính thức giới báo chí những thông tin “nóng” về bệnh sởi trong thời gian qua.

- Mấy ngày gần đây, có nhiều luồng thông tin cho rằng Bộ Y tế không công khai hết số ca tử vong, giấu dịch sởi. Là người đứng đầu ngành y tế, ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề trên như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:
Tôi khẳng định, nếu Bộ Y tế giấu thông tin thì đã không công bố các thông tin. Bộ Y tế không giấu giếm bất cứ một thông tin nào.

Trong 108 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi, có 25 ca chắc chắn hoàn toàn tử vong là do sởi, còn những trường hợp khác là trên nền bệnh khác, nhập viện vì bệnh khác xong nhiễm sởi.

Thứ hai nữa là có nhiều trường hợp mắc bệnh sởi với diễn biến nhẹ vào viện, nhưng sau đó lại kèm theo các bệnh khác hay trên cơ địa bệnh chuyển hóa, suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh… dẫn đến tử vong.

Chúng tôi cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, chính xác để kết luận. Trong cuộc họp sáng nay với các bệnh viện, sở y tế và các chuyên gia về dịch tễ, chúng tôi nghe hết các sở, các bệnh viện báo cáo và hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu.

- Vậy Bộ trưởng có thể cho biết vì sao trong năm nay dịch bệnh sởi lại có nhứng diễn biến bất thường với tỷ lệ tử vong cao như vậy?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Một thực tế cho thấy là không chỉ riêng Việt Nam mà dịch sởi có số ca mắc đang tăng vì bệnh có chu kỳ tại Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản... Việt Nam hiện nay đang lặp lại chu kỳ của năm 2009-2010. Tổng số mắc chưa bằng đợt dịch trước, nhưng số tử vong cao hơn.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, các ca bệnh tại miền Bắc chiếm tới 70% của toàn quốc. Các chuyên gia quốc tế đã phân tích và xem xét có hai lý do, đó là do là khí hậu của miền Bắc mưa ẩm trong nhiều tháng, còn virus sởi không có sự biến đổi về chủng virus mới hay thay đổi về độc lực, không thể nói do biến đổi chủng được.

Một điều tôi cần lưu ý nữa là tỷ lệ tiêm chủng hiện nay mũi 1 đạt rất cao (97%), nhưng mũi 2 chỉ đạt 87%, nên nó không bảo vệ được hoàn toàn. Tỷ lệ tiêm chủng, mũi 1 đạt cao 97%, nhưng mũi 2 chỉ đạt 87% nên nó không bảo vệ hoàn toàn. Ngay cả việc tiêm chủng đạt tỉ lệ 100% thì bảo vệ cũng chỉ đạt 95%.

Thứ nữa là hiện nay chúng ta tiêm phòng cho trẻ trên 9 tháng tuổi, nên những trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn có một bộ phận bị mắc bệnh sởi.

- Đến nay đã hơn 100 ca tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương - tuyến điều trị cao nhất, liệu đây là điều có đáng ngại?


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Qủa thực đây là điều đáng lo ngại. Chưa bao giờ, đến phòng bác sĩ cũng phải lấy ra làm phòng điều trị bệnh nhân.

Chính vì thế Bộ Y tế đã tổ chức rất nhiều phiên họp. Vì thế, hôm nay chúng tôi mời các bệnh viện đến để chia lửa và hạ hỏa bớt tình trạng quá tải bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cuộc họp hôm nay chúng tôi mời cả các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và chiều nay họ sẽ cử chuyên gia về phòng chống nhiễm khuẩn đến làm việc với bệnh viện để tăng cường vận động, tăng tỷ lệ người dân tiêm vắcxin.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Không hề giấu giếm thông tin về dịch bệnh ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: TTXVN)

- Hiện nay, theo ghi nhận số ca mắc sởi tại Hà Nội chiếm một tỷ lệ lớn. Vậy theo bà Hà Nội có nên công bố dịch sởi hay không?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Từ trước Tết Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện tiêm chủng mở rộng, tiêm sởi đã đẩy mạnh. Trong cuối năm 2013, từ khi dịch sởi bắt đầu xuất hiện đã tiến hành nhiều chiến dịch ở miền núi phía Bắc chứ không phải không chống dịch, gồm các tỉnh Yên Bái, Hà Giang…

Hiện nay những tỉnh này đã xuống dịch. Giờ đỉnh điểm bệnh sởi là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ tử vong không cao.

Đúng là số số trường hợp mắc bệnh sởi tại Hà Nội chiếm 30% số bệnh nhân cả nước, tử vong chiếm 50%.

Khi tôi hỏi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết phải báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân và thảo luận để công bố hay không. Như Ninh Thuận công bố dịch tay chân miệng là quyền của Ủy ban Nhân dân, Bộ Y tế không ép được.


- Có ý kiến nghi ngờ chất lượng vắcxin sởi hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Tôi xin khẳng định vắcxin sởi hiện nay cực tốt, dây chuyền do chúng ta tự sản xuất và đang có ý định xuất khẩu. Nhưng tỷ lệ bảo vệ của vắcxin tốt nhất là 95%, vì vậy trong tình huống 100% người tiêm vẫn có khả năng 5 trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy chưa có nước nào nào đạt được tỷ lệ tiêm chủng là 100%.

- Xin Bộ trưởng cho biết, kết quả của cuộc họp sáng nay thế nào?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong cuộc họp sáng nay chúng tôi đã bàn và đưa ra rất nhiều giải pháp.

Kết quả đưa ra tại cuộc họp cho thấy tất cả các bệnh nhân nặng gần như ở miền Bắc chỉ tập trung về Bệnh viện Nhi Trung ương, còn các bệnh viện khác rất ít.

Trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều ca mắc sởi cũng mắc bệnh hô hấp nhưng không thấy có nhiều trường hợp tử vong. Nhưng ngoài miền Bắc chủ yếu những ca nặng họ đổ về Bệnh viện Nhi Trung ương, do vậy tỷ lệ tử vong tại bệnh viện này ở mức cao.

Thứ hai là tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang diễn ra tình trạng quá tải, vì vậy chất lượng chắc chắn sẽ khó đảm bảo, nhiều khả năng gây nên hậu quả nhiễm trùng, lan bệnh trong bệnh viện.

Điều này xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. Các chuyên gia trên thế giới cũng nhận định, nếu cứ để tình trạng tập trung bệnh nhân vào một tuyến cao thì bao giờ cũng có tình trạng tử vong.

Trong cuộc họp hôm nay tôi đề nghị các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... cử các chuyên gia tới các bệnh viện như Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn để điều trị.

Còn người dân cứ đổ về bệnh viện tuyến cuối sẽ dẫn ra tình trạng trẻ bị lây bệnh chéo. Chẳng hạn như đi chữa hô hấp nhưng mắc thêm cả bệnh sởi.

Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng nhất trong cuộc họp ngày hôm nay chúng tôi thống nhất là giảm quá tải bệnh viện, giảm lây chéo bệnh, tăng cường nhân lực.

Người dân vào viện cần rửa tay bằng nước sát khuẩn hàng ngày. Tất cả các phương tiện như máy thở, thuốc kháng sinh điều trị... ngành y tế tập trung huy động và đáp ứng theo nhu cầu.

Theo tôi, giải pháp lâu dài chính là phòng bệnh, thông qua cách thức tiêm chủng bằng vắcxin. Hiện nay ngành y tế đang chỉ đạo tiêm rất nhiều đợt và chỉ định rộng rãi tiêm mũi 2, mũi 3.

Đó là giải pháp này sẽ góp phần “hạ hỏa.” Vì thế, ngành y tế chỉ dám đặt mục tiêu đến 2017 là loại trừ chứ không phải là thanh toán bệnh sởi. Nỗ lực để loại trừ, ca bệnh vẫn có nhưng không bung thành dịch.


Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục